Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ “vướng”

08:32, 14/07/2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá xăng dầu, vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, nhưng kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển, đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn cần tập trung tháo gỡ với những giải pháp quyết liệt, phát huy mọi nguồn lực của địa phương…

Nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2021

Theo báo cáo của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa X, 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và xã hội, nhất là từ đầu tháng 4/2022 đến nay, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục phát triển.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khá, ước thực hiện trên 23.632 tỷ đồng, tăng 7,37% so với cùng kỳ năm 2021. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện trên 13.600 tỷ đồng, tăng 6,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường ước thực hiện trên 51.138 tỷ đồng, tăng 16,68%. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 4.860 tỷ đồng, bằng 59,28% kế hoạch HĐND tỉnh giao và bằng 72,9% dự toán Trung ương giao, tăng 35,97% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 55,34%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 18,2%...

Công trình điện gió ở huyện Ea H'leo. Ảnh: Hoàng Gia

Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải quyết việc làm và an sinh xã hội, giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện, cơ bản ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn. Công tác cải cách hành chính của tỉnh đạt được hiệu quả tích cực, kết quả công bố các chỉ số cải cách hành chính như: PAR Index, PAPI, PCI năm 2021 của tỉnh đều tăng hạng so với năm 2020. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, thay mặt Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng Ban Võ Đại Huế khẳng định: Hầu hết các chỉ tiêu được đánh giá đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Những kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm là rất đáng phấn khởi. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế: Thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh đạt rất thấp (13,1%); tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn ra khá phức tạp, tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 (xảy ra 672 vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, tăng 109 vụ so với cùng kỳ năm 2021). Công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp (đến ngày 18/6/2022, nguồn vốn tỉnh đã giải ngân mới đạt 661,187/3.450,657 tỷ đồng, đạt 19,2% kế hoạch; số vốn chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 với tổng nguồn vốn kéo dài là 614,586 tỷ đồng nhưng mới chỉ giải ngân được 13,756 tỷ đồng, đạt 2,24% kế hoạch)…

Linh hoạt, chủ động, quyết liệt gỡ “vướng”

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà thẳng thắn nêu rõ: Dự báo tình hình KT-XH trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 và nguy cơ thiên tai, biến đổi khí hậu vẫn còn diễn biến phức tạp; biến động giá cả một số nguyên, vật liệu và nhiên liệu dùng cho sản xuất, đặc biệt là giá xăng, dầu, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng tăng… Do vậy, UBND tỉnh sẽ quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành để ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, kiên quyết thực hiện mục tiêu tăng trưởng và tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch; tập trung khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra.

Sản xuất các thành phẩm từ mủ cao su tại Khu Công nghiệp Hòa Phú. Ảnh: Nguyễn Gia

Cùng chung nhận định về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, ông Võ Đại Huế cho rằng: Với những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, biến đổi khí hậu sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trong khi chỉ tiêu tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn theo kế hoạch cả năm là 56.299 tỷ đồng, tăng 7,27%. Do đó, UBND tỉnh cần tiếp tục linh hoạt, chủ động trong điều hành KT-XH và tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2022.

Đồng thời quan tâm xử lý các vướng mắc về đất đai, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, tập trung tìm giải pháp để giải ngân hết vốn đầu tư công trong kế hoạch được giao, cũng như các nguồn vốn Trung ương bổ sung; triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH năm 2022; các gói hỗ trợ của Chính phủ về an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện kịp thời, đúng tiến độ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

 

UBND tỉnh mong muốn và kêu gọi sự tham gia, nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách chủ động và linh hoạt…”.

 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

Đặc biệt, để khắc phục tình trạng giải ngân chậm, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, trong đó xác định vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo các địa phương và các ngành chức năng có sự phối hợp đồng bộ để quản lý, thực hiện tốt công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư và giải ngân các nguồn vốn nhằm phát huy hiệu quả các công trình, dự án và hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước…

Tại kỳ họp, nhiều giải pháp thiết thực cũng đã được đề ra như: Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh; triển khai kịp thời các gói hỗ trợ an sinh, phục hồi và phát triển KT-XH; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh; sớm phân bổ các nguồn vốn đã được bố trí, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực, các chương trình; ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.