Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi: Vẫn còn nhiều thách thức

08:10, 31/05/2022

Với mục tiêu phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người dân, Đắk Lắk đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong chăn nuôi. Tuy nhiên, để đưa CNC vào chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều việc phải làm.

Sự chuyển dịch tích cực

Nắm bắt được tiện ích khi ứng dụng CNC trong chăn nuôi heo, cuối năm 2021, anh Cao Xuân Dũng (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) đã xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô 2.400 con/lứa.

Hệ thống chuồng trại đều được lắp đặt công nghệ tự động hóa trong các khâu: theo dõi phòng, chống dịch bệnh; chăm sóc nuôi dưỡng, máng ăn, nước uống tự động. Đặc biệt trang trại lắp đặt hệ thống cảm biến, camera giám sát sự thay đổi của môi trường như độ ẩm, nhiệt độ, amonia, CO2 và mức độ tăng trưởng hằng ngày của đàn heo.

Việc ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi heo của trang trại anh Dũng không chỉ giúp giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng thịt mà còn bảo đảm vệ sinh môi trường.

Hệ thống cung cấp thức ăn tự động trong trang trại chăn nuôi của anh Cao Xuân Dũng (huyện Cư Kuin).

Anh Cao Xuân Dũng cho biết, trang trại được xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng để ứng dụng CNC, toàn bộ trang trại sử dụng hệ thống tự động trong tất cả quy trình chăn nuôi. Điều này đã giúp trang trại giảm rất nhiều chi phí, trước hết là về nhân công, hiện trang trại của anh chỉ cần 1 – 2 công nhân là đủ để vận hành cả hệ thống. Trong khi ở quy mô này, với trang trại truyền thống thì phải cần đến trên 10 nhân công làm việc thường xuyên. Mặt khác, khi trang trại ứng dụng công nghệ thì được thực hiện chăn nuôi theo quy trình khép kín nên ít chịu rủi ro về dịch bệnh; đàn heo tăng trưởng ổn định và chất lượng thịt tốt hơn.

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin, địa phương hiện có 87 trang trại chăn nuôi. Trong đó có đến 80% trang trại áp dụng CNC trong chăn nuôi như xây dựng trang trại lạnh, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, khép kín... Có được kết quả này là do các hộ chăn nuôi đã chuyển dịch quy mô theo hướng trang trại, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp để chăn nuôi gia công, sản xuất ra lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường và cải thiện môi trường chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh.

Ngoài những trang trại đang dần chuyển dịch sang ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi thì Đắk Lắk cũng đang ưu tiên các dự án chăn nuôi CNC vào đầu tư tại tỉnh. Đơn cử như dự án Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Đắk Lắk của Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn được ứng dụng 100% CNC theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan; sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2; áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường...

Đây là dự án nông nghiệp có quy mô lớn và áp dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại nhất ở Tây Nguyên hiện nay. Vào tháng 10/2021, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã nhập khẩu 1.225 con heo cụ kỵ, ông bà từ Canada về Việt Nam và đưa về nuôi tại khu tổ hợp này. Những con heo giống ông bà, cụ kỵ đến nay đã cho ra đời lứa heo giống hậu bị đầu tiên. Những sản phẩm heo giống hậu bị này có chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu, sẽ góp phần đáp ứng đủ nguồn heo giống chất lượng và an toàn cho thị trường chăn nuôi heo ở Việt Nam.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến nay, toàn tỉnh có trên 13 triệu con gia súc, gia cầm; sản lượng thịt hơi các loại 226.000 tấn/năm. Trên địa bàn Đắk Lắk có 18 dự án chăn nuôi quy mô lớn do các doanh nghiệp đầu tư; có 765 trang trại sản xuất tập trung; trên 2.600 trang trại quy mô nhỏ.

Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Đắk Lắk của Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn. Ảnh: hungnhongroup

Phương thức tổ chức sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển mình từ sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ sang sản xuất chăn nuôi mang tính thị trường, tập trung quy mô trang trại. Các tiến bộ kỹ thuật, CNC bước đầu đã được ứng dụng trong sản xuất như công nghệ chuồng trại khép kín, máng ăn và nước uống tự động; xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường bằng công nghệ khí sinh học (biogas); sử dụng các chế phẩm vi sinh trong công nghệ xử lý đệm lót sinh học ở một số trang trại, gia trại chăn nuôi. Đặc biệt vấn đề giống trong chăn nuôi đã có sự phát triển đột phá, hiện nay tỷ lệ bò lai của tỉnh đạt 55,66%; 99% người chăn nuôi heo sử dụng các giống heo siêu nạc... Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật nên chăn nuôi của tỉnh đang từng bước phát triển bền vững; cơ bản kiểm soát các loại dịch bệnh, đảm bảo an toàn, xử lý nhanh chóng các ổ dịch nhỏ lẻ, góp phần bảo đảm hiệu quả kinh tế ổn định cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư các trang thiết bị hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất chăn nuôi khá lớn, yêu cầu trình độ kỹ thuật nên việc ứng dụng còn hạn chế. Trong khi đó, sản phẩm chăn nuôi giá cả không ổn định, chưa có sự phân định rõ ràng về giá trị giữa sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo phương thức truyền thống với sản xuất áp dụng CNC… là những nguyên nhân chính dẫn đến việc áp dụng CNC trong chăn nuôi tại Đắk Lắk còn chưa phổ biến. Các chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được duy trì, quy mô nhất là chuỗi liên kết do các công ty chăn nuôi thực hiện, với khoảng 280 trang trại tham gia, quy mô vật nuôi ổn định khoảng 137.000 con heo, 1.400.000 con gà. Tuy nhiên, các hình thức liên kết này mới dừng lại ở bao tiêu và xuất sản phẩm thô mà chưa có liên kết giết mổ, chế biến.

Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, ngành chăn nuôi đang tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động của giá thức ăn gia súc tăng cao, trong khi giá bán của các sản phẩm chăn nuôi vẫn thấp; dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp, khó lường… Do vậy định hướng chung của ngành là tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi và thú y. Trong đó, thúc đẩy phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ xanh và bảo vệ môi trường sinh thái… để từng bước giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường, và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Sở NN-PTNT cho biết, trong Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đặt ra cho lĩnh vực chăn nuôi đến năm 2025 là tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đạt gần 14 triệu con; sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 247 nghìn tấn và trứng các loại đạt trên 340 triệu quả. Đặc biệt là đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) ứng dụng CNC chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc