Multimedia Đọc Báo in

Phát huy truyền thống, xây dựng Krông Pắc vững mạnh toàn diện

08:25, 17/03/2022

Sau Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3 lịch sử, ngày 17/3/1975 quận Phước An cũng nhanh chóng được giải phóng, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của quân và dân huyện Krông Pắc.

Trải qua 47 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Krông Pắc đã lãnh đạo nhân dân thực hiện sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu rất đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Nằm trải dài trên 30 km từ km 12 đến km 60 dọc theo Quốc lộ 26, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Krông Pắc luôn là một địa bàn chiến lược quan trọng, là cửa ngõ ở phía Đông vào TP. Buôn Ma Thuột. Có được vùng đất ổn định như ngày hôm nay, Krông Pắc đã trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi.

Sau giải phóng 1975, huyện Krông Pắc được hợp nhất từ H1, H9 và H11. Đến tháng 7/1977, toàn bộ khu vực H1 cũ lại được tách ra, lập thành huyện M’Drắk. Tháng 10/1981, các xã phía Nam huyện bao gồm cả H9 cũ được tách ra, lập thành huyện Krông Bông. Cùng lúc đó, 3 xã phía Tây gồm Hòa Dung, Hòa Hiệp, Ea Ktur được sáp nhập vào huyện Krông Ana (ngày nay là thuộc huyện Cư Kuin). Đến tháng 12/1985, các xã phía Đông huyện được tách để lập thành huyện Ea Kar. Năm 1995, huyện Krông Pắc nhập thêm xã Hòa Đông (được tách ra từ TP. Buôn Ma Thuột).

Thị trấn Phước An đang phát triển trở thành đô thị năng động của huyện Krông Pắc.

Đến nay, Krông Pắc có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã, 1 thị trấn là đô thị loại 4, với diện tích tự nhiên là 62.577 ha. Dân số huyện có khoảng 194.465 người (theo số liệu thống kê năm 2019); trong đó, dân tộc thiểu số 71.651 người, chiếm 32,54%. Toàn Đảng bộ có 47 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc.

Từ khi thành lập huyện đến nay, phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường bất khuất, Đảng bộ huyện luôn bám sát thực tiễn, phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn, thách thức, khắc phục vết thương chiến tranh để ổn định, phát triển kinh tế.

Từ một nền kinh tế nhỏ bé, mang tính tự cung, tự cấp, đến nay nền kinh tế của huyện trong những năm qua liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, đạt trên 9,5%; tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt trên 14.000 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng gần 1.400 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên 48 triệu đồng/người.

Cơ sở hạ tầng cơ bản từng bước được đồng bộ, đến nay 100% xã đã có đường bê tông đến trung tâm xã; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố. Các mặt văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Giáo dục và đào tạo được quan tâm, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt trên 60%; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được cải thiện, 16/16 xã, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức đa dạng, phong phú, phục vụ tốt nhu cầu giải trí của nhân dân. Công tác lao động, thương binh và xã hội được triển khai thực hiện tích cực và đạt được nhiều kết quả, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ còn 3,3%.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến (bìa phải) tham quan mô hình sản xuất chuối công nghệ cao ở xã Vụ Bổn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Đến nay toàn huyện có 12/15 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn và cơ bản đạt 17,53 tiêu chí/xã.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến tích cực trên cả các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Các nghị quyết, chỉ thị, kết luận... của Trung ương, của tỉnh được cụ thể hóa kịp thời. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được thực hiện nghiêm túc. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, chú trọng cả về số lượng và chất lượng, đến nay Đảng bộ huyện đã có trên 7.000 đảng viên.

Trải qua 47 năm, qua 14 kỳ đại hội, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ, chính quyền huyện Krông Pắc đã và đang không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, khai thác có hiệu quả tiềm năng, đưa địa phương ngày càng phát triển, quyết tâm xây dựng huyện Krông Pắc thành huyện nông thôn mới, vững mạnh toàn diện vào năm 2025.

Trần Hồng Tiến

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.