Multimedia Đọc Báo in

Nhiều cơ hội việc làm tại các tỉnh, thành phía Nam

07:11, 09/12/2021

Đầu tháng 12/2021, Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk do đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động của tỉnh trở lại làm việc.

Người lao động còn e ngại dịch bệnh

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư (từ ngày 1/4 đến 31/10) có khoảng 150.000 người từ các địa phương trở về tỉnh, trong đó 138.440 người đủ từ 15 tuổi trở lên. Tính riêng từ ngày 2/10 đến 11/11 có khoảng 38.000 người từ các tỉnh, thành phía Nam trở về Đắk Lắk.

Trong đó, tỉnh Bình Dương có số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trở về tỉnh Đắk Lắk nhiều nhất (57.000 người), hiện có 7.000 người đã chủ động quay trở lại làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát. Tương ứng TP. Hồ Chí Minh có 35.000 lao động trở về, khoảng 5.000 lao động chủ động trở lại làm việc. Tỉnh Đồng Nai có 33.000 lao động trở về, 6.000 lao động chủ động trở lại làm việc.

Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk làm việc với UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hải Lý

Đa phần các lao động trở về từ TP. Hồ Chí Minh do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 là lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động; chỉ có khoảng 100 - 200 lao động  được xác nhận làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Còn tại tỉnh Bình Dương trong tổng số 57.000 lao động trở về thì 45.000 lao động có giao kết hợp đồng lao động, được cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương xác nhận. 

Qua tổng hợp của 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, hiện nay có khoảng 5.000 người lao động đăng ký trở lại làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chủ yếu làm trong các ngành điện tử, may mặc, chế biến gỗ, giày da và một số công việc khác.            

Theo đánh giá của UBND tỉnh, ngoài nguyên nhân khách quan hiện đang vào vụ thu hoạch cà phê, thì người lao động vẫn e ngại dịch bệnh nên chưa đăng ký trở lại làm việc, cộng thêm đó là tâm lý muốn ở lại gia đình đón tết cổ truyền rồi mới trở lại làm việc. Thêm một nguyên nhân nữa, hiện các tỉnh, thành phố phía Nam vẫn chưa cho học sinh trở lại trường, các lao động có con trong độ tuổi đến trường chưa yên tâm làm việc. Dự kiến sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ có khoảng 20.000 lao động trở lại các tỉnh phía Nam làm việc.

Cần nhiều lao động, với chính sách hấp dẫn

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của tỉnh, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương cho biết, hiện cần khoảng 140.000 lao động. Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu tiếp nhận 60.000 lao động; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, mỗi tỉnh cần khoảng 40.000 lao động trong thời gian tới.

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn việc làm cho người lao động. Ảnh: Nguyên Hoa
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn việc làm cho người lao động. Ảnh: Nguyên Hoa

Cùng với thông tin nhu cầu tuyển dụng, các tỉnh, thành trên đã có nhiều chính sách để thu hút, đón lao động trở lại làm việc. Đơn cử TP. Hồ Chí Minh đã thông tin nhu cầu, các chính sách của doanh nghiệp qua Trung tâm Dịch vụ việc làm và có chương trình hỗ trợ giảm tiền thuê nhà từ 30 - 50% cho người lao động. Hiện TP. Hồ Chí Minh đang trình chủ trương đề nghị xây dựng 80.000 chỗ ở cho người lao động.                         

 

“Tại các buổi làm việc giữa tỉnh Đắk Lắk với ba địa phương, đã thống nhất: Trung tâm Dịch vụ việc làm các địa phương thường xuyên kết nối, cung cấp thông tin tuyển dụng, doanh nghiệp tuyển dụng lao động; tạo sàn tư vấn, tuyển dụng lao động trực tuyến; tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động; quan tâm chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, hỗ trợ nhà ở cho người lao động để họ an tâm làm việc”.

 
Phó Chủ tịch Thường trực  UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà.

Với tình trạng thiếu hụt khoảng 40.000 lao động, ngày 1/11/2021 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch về việc phối hợp để đón người dân trở lại làm việc với các chính sách ưu đãi: ưu tiên tiêm vắc xin, hỗ trợ 300.000 đồng/người để lao động thuê nhà trọ; kêu gọi các doanh nghiệp có nhiều hình thức hỗ trợ để người lao động yên tâm trở lại làm việc. “Các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và thường xuyên phối hợp, liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk để tuyển dụng lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm của hai tỉnh sẽ phối hợp, ký kết biên bản thỏa thuận và kết nối, thông tin việc làm, các chính sách hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai”, ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết.

Song song với đó, tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động đến tuyển dụng trực tiếp tại các địa phương của tỉnh Đắk Lắk; kêu gọi, đề nghị doanh nghiệp đưa đón, hỗ trợ, bố trí nhà ở cho người lao động từ tỉnh Đắk Lắk trở lại Đồng Nai làm việc. Trước mắt, trong tháng 12/2021 sẽ tổ chức 3 sàn giao dịch cho doanh nghiệp Đồng Nai ở các huyện Krông Pắc, Ea Súp, Ea Kar.                 

Để thu hút người lao động trở lại làm việc, tỉnh Bình Dương ưu tiên tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19; hỗ trợ, đón người lao động quay lại địa phương; đẩy mạnh thông tin việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; hình thành, kết nối sàn trực tuyến để doanh nghiệp thông tin, tuyển dụng lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp đến các địa phương trực tiếp tuyển dụng lao động. Lãnh đạo tỉnh này thông tin thêm, đa số các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương tuyển dụng lao động với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng (chưa kể tăng ca); hỗ trợ thêm 1 tháng tiền thuê trọ, tiền nuôi con nhỏ... Đặc biệt, tỉnh Bình Dương đã đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ tỉnh vay 10.000 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân. 

Người lao động của tỉnh Đắk Lắk làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đa số là lao động phổ thông, vì thế khó tăng thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Vì vậy, Đoàn công tác của tỉnh đã đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các địa phương chủ động, phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác quản lý, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp có các chính sách ưu đãi tốt để tuyển dụng lao động địa phương.        

Hoàng Ân - Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.