Multimedia Đọc Báo in

Thêm sinh kế cho lao động hồi hương từ vốn chính sách

06:47, 22/11/2021

Nhiều người dân từ các tỉnh thành phía Nam trở về địa phương do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang vất vả với bài toán sinh kế. Bước đầu, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống nhằm vươn lên phát triển kinh tế.

Từ tháng 4/2021 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 137.000 lượt công dân từ các tỉnh thành phía Nam trở về địa phương. Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk (NHCSXH) đang triển khai chương trình vốn vay ưu đãi cho lao động hồi hương nhằm giúp bà con khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Theo đó, đơn vị đã phân công cán bộ tín dụng phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, nắm tình hình khó khăn và nhu cầu vay vốn của người dân mới về quê; đồng thời, đề xuất với NHCSXH Việt Nam bổ sung nguồn vốn 19 tỷ đồng để tạo điều kiện cho lao động hồi hương tiếp cận vốn vay. Mức cho vay của chính sách này lên đến 100 triệu đồng, thời hạn vay 120 tháng, lãi suất tương đương cho vay hộ cận nghèo (7,92%/năm) và không cần thế chấp tài sản khi vay.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông tìm hiểu nhu cầu vay vốn của lao động về quê trên địa bàn huyện.

Huyện Krông Bông là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 40% dân số toàn huyện. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 5.600 người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về địa phương. Là huyện thuần nông, nhưng đất đai ở đây không tốt, khó phát triển cây trồng có giá trị cao nên người dân sau khi về địa phương hầu như không tìm được việc làm, sinh kế lâu dài. Trước thực trạng này, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông đã khảo sát, nắm bắt nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn để ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông cho biết, đơn vị đã giải ngân cho 3 hộ có lao động về quê vay vốn, với mức vay 50 triệu đồng/hộ và trong tháng 11/2021, sẽ giải ngân cho 20 khách hàng thuộc đối tượng này, tổng số tiền 1 tỷ đồng, với phương châm vốn về tới đâu thì giải ngân cho người dân đến đó.

Một trong những người đầu tiên ở huyện Krông Bông được vay vốn sau khi về quê tránh dịch là chị Võ Thị Phúc ở thôn Quảng Đông, xã Hòa Sơn. Cách đây 3 năm, chị và con trai đầu vào tỉnh Bình Dương làm công nhân. Tháng 8/2020, mẹ con chị quyết định về quê do dịch bệnh phức tạp, công việc bấp bênh. Sau khi trở về địa phương, cuộc sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn do không có đất canh tác, công việc làm thuê thì bữa được bữa mất. Được tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương giới thiệu về chính sách cho người dân hồi hương vay vốn với lãi suất thấp, cuối tháng 10/2021, chị đã làm hồ sơ vay và chỉ mấy ngày sau được Phòng giao dịch NHCSXH huyện giải ngân cho vay 50 triệu đồng. Chị Phúc cho biết, qua tìm hiểu tại địa phương và được tư vấn của tổ tiết kiệm và vay vốn trong thôn, chị quyết định sử dụng vốn vay ưu đãi vào mục đích đầu tư làm chuồng trại, mua giống gia súc về nuôi.

Ông Đoàn Công Mười, xã Hoà Tân, huyện Krông Bông sử dụng vốn vay cho lao động hồi hương để phát triển chăn nuôi bò.

Tương tự, ông Tăng Ngọc Thịnh (thôn 6, xã Cư Kty) cũng được thụ hưởng vốn vay ưu đãi. Từ đầu năm 2020, vợ chồng ông vào tỉnh Bình Dương làm thợ nề, phụ quán ăn, nhưng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên công việc không ổn định. Tháng 6 vừa qua, vợ chồng ông phải về quê sinh sống. Mới đây, gia đình ông được NHCSXH địa phương cho vay 50 triệu đồng. Từ nguốn vốn này, ông đã mua 3 con bò về nuôi để từng bước phát triển kinh tế gia đình. Ông Thịnh chia sẻ, nguồn vốn chính sách không chỉ giúp ông có điều kiện làm ăn, ổn định cuộc sống, mà còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước để ông và những người lao động mới về quê có thêm động lực vươn lên.

Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, đối với lao động hồi hương có hoàn cảnh khó khăn, nếu đã vay vốn, đơn vị sẽ gia hạn nợ hoặc cho vay bổ sung để bà con có vốn sản xuất. Tuy nhiên, những trường hợp này cần tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn và có phương án làm ăn có tính khả thi để làm căn cứ thẩm định cho vay. Cán bộ tín dụng, các tổ tiết kiệm và vay vốn và hội, đoàn thể địa phương sẽ hướng dẫn người dân các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn nhằm sử dụng hiệu quả vốn vay, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương thay vì phải xa quê tìm việc làm.

Từ đầu năm đến nay, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân cho 36.000 khách hàng vay vốn chính sách, với tổng số vốn hơn 1.300 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh có 159.506 lượt khách hàng vay vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ 5.599 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 7,17%.

 

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.