Multimedia Đọc Báo in

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian áp dụng giá mua điện gió đến ngày 1-11-2022.

11:02, 07/09/2021

UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư điện gió tại địa bàn tỉnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài.

Trong năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung danh mục các dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực tại Văn bản số 795/TTg-CN, ngày 25-6-2020, trong đó có 5 dự án, quy mô công suất 657MW; Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2020 có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 234/QĐ-BCT, ngày 18-1-2018, trong đó có 6 dự án, quy mô công suất 85MW.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp chủ trương đầu tư cho 8 dự án điện gió với quy mô công suất 685MW. Đến nay, Dự án điện gió Ea Nam có khối lượng hoàn thành đạt khoảng 80% khối lượng công trình; 4 dự án điện gió tại huyện Krông Búk có khối lượng hoàn thành đạt khoảng 40 - 45% khối lượng công trình. 

th
Vận chuyển cánh quạt điện gió đoạn qua xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, các doanh nghiệp điện gió đã tích cực, khẩn trương tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định, triển khai thi công; chính quyền địa phương các cấp tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo đưa dự án vào vận hành thương mại trước trước ngày 1-11-2021. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc.

Cụ thể, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn thế giới rất phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp tuabin gió bị chậm so với hợp đồng mua bán đã ký kết; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng bị gián đoạn. Mặt khác, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên việc vận chuyển thiết bị tuabin gió (hàng siêu trường, siêu trọng) gặp khó khăn; cán bộ, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định, người lao động thi công trên công trình cũng hạn chế. Trong khi đó, trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng một dự án lớn, trong đó có hạng mục trạm biến áp 500kV, đường dây 500kV đấu nối cần nhiều thời gian để hoàn thiện đầy đủ, các thủ tục về đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công tốn nhiều thời gian.

Căn cứ Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, ngày 29-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá mua điện gió tại điểm giao nhận điện là 8,5 Uscent/kWh, áp dụng cho các dự án điện gió có một phần hoặc toàn bộ nhà máy vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 và thời gian áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Tuy nhiên, do những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian áp dụng giá mua điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 1-11-2022. 

Hồng Chuyên
 


Ý kiến bạn đọc