Multimedia Đọc Báo in

Khắc phục tình trạng “học theo văn mẫu, bài mẫu”: Mong lắm thay!

10:52, 17/10/2021

“Chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu” là ý kiến được Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục Trung học.

Phải chăng đây là tín hiệu bắt đầu cho một cuộc cải cách giáo dục có chủ điểm, có trọng tâm, có nội dung cụ thể nhằm từng bước đổi mới giáo dục nước nhà vốn đang còn nhiều bất cập?

Nhưng điều quan trọng là ở chỗ: bắt đầu từ đâu, giải pháp và lộ trình chấm dứt “văn mẫu” như thế nào? Bởi vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại rất phức tạp, liên quan đến tư duy, cách tổ chức quản lý dạy học và đặc biệt là con người.

Thế hệ chúng tôi, thời còn cắp sách đi học, hầu như không có “văn mẫu”. Mỗi khi trả bài tập làm văn, bạn nào viết hay, viết tốt, giàu cảm xúc đều được thầy cô biểu dương trước lớp và đọc cho mọi người cùng thưởng thức. Sau này, khi tốt nghiệp đại học ra trường, theo đuổi nghề dạy học, khái niệm “văn mẫu” cũng không có chỗ trong tư duy và hành động của chúng tôi và các lớp học sinh hồi ấy.

Tiết học Văn của cô và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Ảnh: C.Xin
Tiết học Văn của cô và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Ảnh: C.Xin

Thế rồi, vào năm 1988, Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề lúc đó (gọi tắt là Bộ ĐH) ban hành bộ đề thi đại học kèm lời giải. GS. Nguyễn Cảnh Toàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ đã cảnh báo đây là một giải pháp sai lầm lớn nhất mà Bộ ĐH đã triển khai: “Tôi là một trong những người đã cảnh báo: ra bộ đề thi thì sẽ dẫn tới học tủ. Và học tủ thì mất tính sáng tạo, học tủ thì không còn quá trình nỗ lực nữa rồi, nghĩa là anh chỉ nhớ lấy một cái tủ rồi làm theo cái hình mẫu ấy. Thế nhưng Bộ ĐH không nghe”. Và như một hiệu ứng domino từ “bộ đề thi” năm 1988, các lò luyện thi mọc lên như nấm vây quanh các trường cấp 3, trường đại học. Các khối lớp khác trong bậc học phổ thông cũng lần lượt “ăn theo”. Bây giờ thì ngay lớp 1 đầu cấp tiểu học cũng đầy rẫy những tài liệu mẫu, văn mẫu mà cuốn nào nội dung cũng na ná như nhau.

Hơn 30 năm qua, chịu tác động của “bộ đề thi mẫu”, giáo dục đã cho ra đời bao thế hệ “văn mẫu”. Ảnh hưởng của nó sâu rộng đến mức không lĩnh vực nào là không có bóng dáng của “văn mẫu”. Mẫu từng câu, từng văn bản. Mẫu cả trong những lĩnh vực lẽ ra phải rất khoa học, sáng tạo và nghiêm túc như luận án tốt nghiệp, sáng kiến kinh nghiệm, báo cáo tổng kết, đánh giá… Mẫu cả trong những bài phát biểu của lãnh đạo tại các cuộc hội nghị, hội thảo…

Chấm dứt “văn mẫu” không phải dễ bởi lối học này đã ăn sâu vào tiềm thức, tư duy của các thế hệ mấy chục năm qua, trong đó có một bộ phận không nhỏ đội ngũ giáo viên và nhà quản lý giáo dục. Sức ì, ỷ lại “mẫu” ở họ đang rất lớn, chẳng khác gì những “hòn đá tảng” cản trở sự thay đổi và phát triển.

Cách dạy, cách ra đề, cách chấm thi bị đóng khung theo khuôn mẫu; học sinh buộc phải ôn luyện, làm bài gò theo mẫu đề thi được công bố trước mỗi kỳ thi vài ba tháng. Sự sáng tạo của cá nhân khó có thể phát triển. Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2021 là một thí dụ nóng hổi mà dư luận đã mổ xẻ rất kỹ trong thời gian vừa qua.

Càng không dễ khi trong thời đại 4.0, “văn mẫu” được hỗ trợ mạnh mẽ bởi công nghệ số, càng lan tỏa nhanh, rộng khắp hang cùng ngõ hẻm. Hàng loạt website, trang mạng xã hội tự do, thoải mái quảng bá, trao đổi, mua bán văn mẫu, giáo án mẫu, sáng kiến kinh nghiệm... Chỉ một cú click chuột là có ngay thứ mình cần, kể cả bản thu hoạch, kiểm điểm sau mỗi đợt học tập chính trị, nghị quyết hay bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.

Dù không dễ nhưng vẫn mong ngành giáo dục với sự nỗ lực của toàn ngành và sự đồng thuận của cả xã hội sẽ sớm đạt được điều mong muốn, tạo bước đột phá để giáo dục bứt lên làm tròn sứ mệnh cao cả, đào tạo ra những lớp người trẻ tài năng, bản lĩnh, đầy khát vọng sáng tạo và khai phóng vì sự phồn vinh của đất nước.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc