Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở trước thềm năm học mới 2021 - 2022

16:49, 02/09/2021

Năm học mới 2021 - 2022 đang cận kề, để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều trường học trong tỉnh quyết định tổ chức dạy học trực tuyến.

Không thể phủ nhận đây là giải pháp tối ưu trong giai đoạn đặc biệt này. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến khiến không ít phụ huynh, học sinh và cả nhà trường băn khoăn…

° Chị Hồ Thị Thuận, phụ huynh em Đường Minh Thư học sinh lớp 1, Trường TH Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột).

Cùng con vượt khó vào lớp 1

Khai giảng trực tuyến là một thiệt thòi cho các em học sinh lớp 1. Năm nay, các con không được đến trường sớm để làm quen với bạn bè, thầy cô giáo cũng như nền nếp và phương pháp học tập mới. Lẽ ra thời gian đầu, con phải được uốn nắn từng chút từ tư thế ngồi, động tác cầm bút đến cách viết. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên tôi cũng động viên con cùng khắc phục.

Chị Hồ Thị Thuận.
Chị Hồ Thị Thuận.

Mới bước vào lớp 1 nên để con không bỡ ngỡ, tôi chủ động chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho con từ cách cầm bút, học viết, tạo thói quen ngồi vào bàn học khi tới giờ học. Tôi chuẩn bị một không gian yên tĩnh, dạy cho con cách mở laptop bật camera, tắt mic lắng nghe người khác nói, giơ tay khi muốn nói, không ăn uống trong giờ học… Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Ngô Quyền cho phụ huynh lựa chọn giải pháp học phù hợp, cụ thể học qua VTV7, gửi bài qua zalo phụ huynh và học qua phần mềm zoom. Trước khi học sẽ được chạy thử máy, giúp các con không lúng túng nên tôi cũng yên tâm.

Xác định việc con phải học trực tuyến sẽ rất khó khăn, cần sự đồng hành, hỗ trợ từ phía gia đình nên trong quá trình học tôi sẽ ngồi cạnh hướng dẫn để con dễ dàng tương tác với giáo viên, tôi sẽ cố gắng để trở thành "người thầy thứ hai" trong quá trình học online cùng con.

° Em Chu Thị Kim Oanh (học sinh lớp 12A1) Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng, TP. Buôn Ma Thuột.

Xác định học trực tuyến có thể kéo dài

Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022, năm học cuối cùng của bậc THPT sẽ diễn ra trên màn hình máy tính, không cờ hoa, không náo nức dưới sân trường khiến em cảm thấy khá hụt hẫng.

Em Chu Thị Kim Oanh.
Em Chu Thị Kim Oanh.

Dịch bệnh đã diễn ra hai năm nay và đang diễn biến phức tạp. Xác định học trực tuyến có thể kéo dài nên em đã chủ động chuẩn bị tinh thần để học tốt hơn. Đầu tiên, em mua sách vở lớp 12 từ sớm, tự học, xâu chuỗi lại những nội dung quan trọng, ghi chép lại những gì chưa hiểu để chủ động nhờ giáo viên giải đáp thắc mắc. Đồng thời lên mạng tìm kiếm thông tin, nguồn tài liệu để hỗ trợ việc học, ôn tập kiến thức chuẩn bị tốt cho năm học cuối cấp này.

Nhà em ở xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ), tuy là xã vùng khó khăn, mạng internet nhiều khi không ổn định, nhưng bố mẹ đã mua cho em điện thoại thông minh để em yên tâm ở nhà học online. Bên cạnh đó, em có thể giúp gia đình một số việc nhà, nương rẫy để bố mẹ đỡ vất vả.

° Thầy Trịnh Giang Châu, Trường THCS Ngô Quyền (huyện Ea H’leo)

Khó khăn khi dạy tích hợp liên môn

Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên cấp THCS thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6. Ngoài các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân được giữ lại theo hình thức đơn lẻ, độc lập thì trong năm học mới này, học sinh lớp 6 sẽ học những môn tích hợp theo lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội.

tt
Thầy Trịnh Giang Châu.

Thông qua đợt tập huấn vừa qua, tôi đã làm quen với cách dạy, thấy được điểm khác biệt của bộ sách mới. Tuy nhiên là giáo viên dạy Hóa - Sinh, từ trước đến nay, tôi chỉ được đào tạo chuyên sâu hai bộ môn. Chắc chắn khi dạy môn Khoa học tự nhiên, tích hợp liên môn Hóa – Sinh - Lý, sẽ không tránh khỏi những khó khăn.

Bộ sách mới yêu cầu giáo viên phải chủ động trong phương pháp giảng dạy để phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh nhưng hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhà trường phải triển khai học trực tuyến, vì vậy tôi băn khoăn không biết học sinh của mình có bắt nhịp được với chương trình sách giáo khoa mới hay không. Song, thay vì ngồi lo lắng, bất an, tôi tích cực lên kế hoạch dạy học trực tuyến, tạo một số trò chơi khởi động để gây hứng thú cho học sinh. Khi dịch bệnh được khống chế, học sinh trở lại trường học, tôi sẽ có phương pháp giúp các em củng cố, nắm bắt kiến thức tốt nhất.

° Cô Bùi Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp).

Nhiều giải pháp học tập trong thời điểm dịch COVID-19

Là trường học nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, với trên 90% học sinh dân tộc thiểu số, vì vậy nhà trường không thể áp dụng phương pháp học online trong năm học 2021 - 2022. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Phòng GD-ĐT huyện Ea Súp và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà trường đã có giải pháp tháo giỡ những khó khăn trước mắt.

Cô Bùi Thị Kim Dung.
Cô Bùi Thị Kim Dung.

Nhà trường sẽ tổ chức khai giảng tại trường, lễ khai giảng ngắn gọn, trang trọng với thành phần tham dự 19 người gồm: Ban Giám hiệu, Ban Chỉ huy liên đội và khách mời, bảo đảm đúng quy định phòng chống dịch COVID-19. Học sinh bắt đầu năm học mới từ ngày 6-9, nhà trường đã bố trí giãn cách lớp học từ 13 lớp lên 16 lớp, bảo đảm mỗi phòng học dưới 20 em; giảm thời gian học từ học 9 buổi/tuần xuống còn 6 buổi/tuần. Học sinh học đầy đủ các môn theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Đặc biệt, trường hợp học sinh đang phải cách ly cùng gia đình, giáo viên sẽ hướng dẫn các em học online hoặc trên truyền hình VTV7. Khi các em quay trở lại trường, thầy cô sẽ quan tâm, giúp đỡ để học sinh được bổ sung kiến thức, theo kịp chương trình.

°Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT

Chủ động, linh hoạt dạy học trong mùa dịch

Để hỗ trợ ngành Giáo dục dạy học trực tuyến, hiện nay VNPT, Viettel đã tổ chức đường truyền intrernet với băng thông rộng đến tất cả các trường học; hỗ trợ thiết bị dạy học…

Hiện tại, Sở GD-ĐT đang yêu cầu các trường rà soát, đánh giá lại điều kiện học trực tuyến của phụ huynh, học sinh để có phương án dạy học thích hợp. Đối với những trường học ở vùng sâu vùng xa, không đủ điều kiện để dạy trực tuyến đại trà, thầy cô sẽ giao bài qua các hình thức phù hợp.

Đặc biệt, các đơn vị trường học không đủ điều kiện dạy trực tuyến cần tham mưu với chính quyền địa phương, phòng GD-ĐT tổ chức dạy học trên truyền hình hoặc tiếp sóng chương trình dạy học của đài truyền hình các tỉnh. 

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa.

Bên cạnh đó, các trường học triển khai dạy học trực tuyến phải chủ động trong tổ chức dạy học. Hiện nay, phần mềm dạy học đã chuẩn bị đầy đủ, giáo viên cũng đã được tập huấn về phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, khi triển khai dạy học giáo viên phải chú ý bố trí thời khóa biểu học tập phù hợp. Ví dụ, đối với học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, chỉ tập trung dạy học môn Tiếng Việt và Toán; sắp xếp thời gian học vào buổi tổi để các em có sự hỗ trợ của bố mẹ, người thân trong gia đình; thầy cô giáo tập trung dạy những kiến thưc cỗi lõi, cơ bản cho học sinh; những kiến thức nào tự học được thì hướng dẫn các em tự học.

Đây là năm thứ 2 triển khai dạy học trực tuyến để đối phó với dịch COVID-19, song vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi giáo viên, nhà trường phải linh hoạt, chủ động mới có thẻ dạy trực tuyến hiệu quả.

Như Quỳnh – Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.