Multimedia Đọc Báo in

Cây trái quanh tôi

08:41, 28/08/2022

Thời điểm này đặt chân tới miền đất đỏ bazan Đắk Lắk, vào các nương rẫy, tôi đặc biệt ấn tượng trước những cây xanh trĩu quả, hay dạo bước trên hè phố, trong các khu chợ ngập tràn trái cây.

Tôi thích chạy xe men theo những con đường ở các buôn làng, nhìn những chùm bơ núp mình trong tán lá đung đưa trong gió. Đây là loài cây được thiên nhiên ưu ái trồng và xuất hiện nhiều trên mảnh đất Tây Nguyên. Vì vậy, có thể nhiều người thấy trái bơ, được thưởng thức miếng bơ ruột vàng, dẻo quẹo nhưng chưa bao giờ được thấy cây bơ mà chỉ có lên Tây Nguyên mùa này nhìn vào quả bơ treo lủng lẳng mới nhận ra được. Tôi cũng đặc biệt thích ngắm những cây thanh long nhánh dài ngoằng nằm trên thân cây cau, ven các tường rào, bị "lãng quên" lâu ngày chỉ dịp rộ mùa mới thu hút sự chú ý. Lúc này cây trổ hoa rất đẹp, bông hoa trắng muốt, hoàn toàn giống hoa quỳnh cũng nở và tàn trong một đêm. Hoa tàn, chực chờ khoảng 1 - 2 tháng, trái thanh long bắt đầu căng mình, ngả màu cánh sen để chín, lúc chín hẳn cây như “rực lửa” trong nắng hè trông thật đã mắt.

Những quả sầu siêng lúc lỉu "núp" trong tán lá.

Mùa nào thức ấy, nhưng vào mùa này thiên nhiên ưu ái cho nhiều loại sản vật Tây Nguyên chín rộ nên các khu chợ cũng đa dạng những loại trái. Sáng sớm, tôi dắt xe chạy vòng qua khu chợ, lướt mắt nhìn qua màu sắc sặc sỡ của trái cây: xanh bơ, đỏ chôm chôm, thanh long, mít nở gai, hay hương sầu riêng nức mũi... Tôi lựa chọn ngồi trước hàng “nữ hoàng” Bơ 034, loại trái này vỏ xanh mướt, căng mọng nhìn tựa các cô nàng tuổi mười tám, đôi mươi đang ướn mình căng tràn sức sống đợi người tới mua về thưởng thức.

Tiết trời vào hạ, những cái nắng oi ả thoáng hiện trong đầu tôi miếng thơm tỏa hương ngào ngạt, mát lạnh phả ra trong tủ lạnh nên lập tức tôi sà vào hàng quả thơm mật. Giống quả thơm mật ở trên miền đất đỏ là thức quả ngon nhất mà tôi từng thưởng thức qua, bên ngoài quả gai góc, vỏ chín vàng ươm, cắt ra lát tròn to lại vàng rệu màu mật ong. Ngoài thơm, thức quả cuốn hút làm tôi không thể rời ánh mắt trước sự quyến rũ là sắc đỏ chôm chôm, vỏ ngoài râu ria nhưng ruột trong trắng nõn nà. Nhiều người thích chôm chôm Thái vì nó ngọt, dễ tách hạt, nhưng tôi vẫn trung thành với chôm chôm địa phương vì nó mềm, mọng nước, có tý thanh nhẹ.

Khác với những nơi khác, sầu riêng Đắk Lắk rộ mùa muộn hơn, đầu tháng 8 dương lịch. Có dịp đặt chân vào rẫy sầu riêng hàng chục năm tuổi, tôi cực kỳ ấn tượng với những quả lủng lẳng trên cành cây cao lớn đầy gai góc tựa "đoàn chiến binh" dưới tán lá rậm rạp. Loại trái cây “vua” này không cần kiêu sa lộng lẫy, vỏ chi chít gai nhọn sần sùi, nhưng thu hút bởi mùi thơm nức mũi khi tách lớp áo choàng chi chít gai nhọn bên ngoài lúc chín. Múi nào múi ấy vàng ươm, cắn một miếng béo bùi, ngậy ngậy gây nghiện.

Trái cây đủ loại được bày bán khắp các khu chợ.

Còn nhớ lần đầu tôi đặt chân đến “thủ phủ” cà phê Buôn Ma Thuột cũng là dịp trái cây vào mùa như năm nay. Tôi nhớ thức quả được ăn đầu tiên là vải thiều u hồng chín sớm mang giống từ ngoài Bắc vào. Giống trái quý này xưa kia dùng để "tiến vua", bây giờ tôi được thết đãi thoải mái bởi vì “hạp” đất nên cây sai trĩu quả. Mặc dù từ miền lạ đưa vào vùng đất đỏ trồng nhưng vẫn giữ được “phẩm chất” của nó, quả lớn, hạt vừa, cùi trắng nõn trông như một miếng mỡ thơm và ngọt lịm.

Dường như sắc đỏ là màu chủ đạo của trái cây Tây Nguyên mùa này, cạnh chôm chôm, vải, thanh long, quả lựu cũng “rực lửa” trong ngày hè oi ả, là lựa chọn hấp dẫn cho người yêu quý sức khỏe. Bởi lựu là thức quả giàu vitamin nhất, trồng trên đất Tây Nguyên nắng gió thất thường nhưng loại quả này vẫn căng mọng nước, ngọt lịm.

Kết thúc một tuần dài đằng đẵng với công việc bộn bề, chiều cuối tuần, tôi thường chạy xe ra chợ lựa các loại quả mang về tận hưởng hoặc men theo con đường đất đỏ của buôn làng ngắm nhìn cây trái, hít hà không khí thiên nhiên trong lành. Đó cũng là khoảnh khắc tận hưởng, thói quen và là thú vui tao nhã của không ít người khi đến với Đắk Lắk.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.