Tiếp tục đẩy mạnh cả 3 trụ cột chuyển đổi số và phải đi vào thực chất
Sáng 21/9, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết các hoạt động Chuyển đối số (CĐS) giai đoạn 2021-2025.
Tham dự hội nghị có Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Phú Tiến; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Nguyễn Tuấn Hà…
Đại biểu tham dự hội nghị |
Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch CĐS tỉnh Đắk Lắk, xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong tổng số 18 chỉ tiêu đặt ra đã có 8 chỉ tiêu hoàn thành trước thời hạn, 7 chỉ tiêu đang trong quá trình triển khai thực hiện và 3 chỉ tiêu khó hoàn thành.
Cụ thể, hạ tầng số tiếp tục được phát triển, duy trì đảm bảo hoạt động phục vụ phát triển Chính phủ số, bảo đảm thông suốt các cấp chính quyền. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung đã kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đảm bảo liên thông 4 cấp chính quyền. Đến nay 100% các cơ quan Nhà nước các cấp của tỉnh đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử; tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 96%; đã cung cấp 1.637 thủ tục hành chính.
Kinh tế số bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đến ngày 15/6/2023, tỉnh Đắk Lắk có 1.678 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; có 42.923 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 5 toàn quốc; số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số là 257.959 hộ, đạt 43%.
Lãnh đạo UBND tỉnh và đại biểu tham quan các gian hàng công nghệ số bên lề hội nghị. |
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đã ứng dụng phần mềm quản lý trường vào dạy và học; các trạm y tế cấp xã đã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa; lập hồ sơ sức khỏe điện tử… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 188/188 điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet băng rộng cố định; số lượng người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác là 1.954.846 người (một người có nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau), đạt tỷ lệ 139,5%...
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nhiều sở, ban, ngành, địa phương chưa nghiêm túc trong việc báo cáo, đánh giá thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CĐS; hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, xuống cấp, chưa được bảo dưỡng thường xuyên; người dân thiếu trang thiết bị, kỹ năng số để tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số. Các nền tảng số quốc gia, ngành lĩnh vực do các bộ, ngành trung ương triển khai chậm, chưa gắn với yêu cầu thực tiễn tại địa phương; thiếu nguồn nhân lực CĐS tại các cơ quan nhà nước và chưa có chính sách thu hút, đãi ngộ...
Hội nghị cũng đã tổng kết thí điểm việc triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng; tình hình thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh với các đơn vị, doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin, CĐS trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, từ thực tế nêu trên, hội nghị sơ kết là dịp để địa phương và các tổ chức, đơn vị chia sẻ thông tin, đề ra giải pháp hỗ trợ tỉnh triển khai CĐS một cách phù hợp, hiệu quả.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục CĐS quốc gia Nguyễn Phú Tiến lưu ý việc triển khai CĐS của tỉnh Đắk Lắk thời gian qua vẫn còn chậm, các chỉ số CĐS vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nước. Do đó, năm 2023 và các năm tiếp theo tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cả 3 trụ cột CĐS là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và phải đi vào thực chất. Riêng trong năm 2023 – năm dữ liệu số cần tập trung phát triển dữ liệu để CĐS. Cụ thể, cần khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia; thường xuyên rà soát, đánh giá điều chỉnh cập nhật phù hợp với tình hình nhu cầu phát triển; khẩn trương ban hành kế hoạch và thực hiện cung cấp dữ liệu mở; tăng cường quản trị dữ liệu; tích cực triển khai thiết lập cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung và nền tảng phân tích dữ liệu tổng hợp tập trung cấp bộ, cấp tỉnh bởi đây là bước đầu để tạo ra giá trị gia tăng từ dữ liệu… Về phía Cục CĐS quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin – Truyền thông để có những giải pháp hỗ trợ cụ thể thúc đẩy CĐS địa phương trong thời gian tới.
Các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác CĐS nhận Bằng khen của UBND tỉnh. |
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác CĐS giai đoạn 2021-2023.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc