Multimedia Đọc Báo in

Lòng dân là cội nguồn sức mạnh

11:21, 27/04/2022

Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ), khi gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ đại đoàn quân Tiên Phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần nhắc nhở: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Quân đội ta là con đẻ của nhân dân. Suy rộng chuyện quốc gia đại sự từ vệ quốc đến kiến quốc đều trông cậy vào nhân dân, vào con Lạc cháu Hồng. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa cho đến hôm nay.

Tư tưởng thân dân đã được hun đúc từ xưa, ngay dưới thời phong kiến được cô đọng thành lời ăn tiếng nói dân gian, như: “Quan nhất thời, dân vạn đại” và các sĩ phu phong kiến tiến bộ như danh nhân Nguyễn Trãi từng đúc kết trong tập đại thành chống giặc Minh là “Cáo Bình Ngô”: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân...” hoặc “Lật thuyền mới biết dân như nước” trong bài thơ “Quan hải” cũng của Nguyễn Trãi.

Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tiếp thu và phát triển tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và thực hành tư tưởng trọng dân, thân dân, vì dân và lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi chủ trương từ lớn đến nhỏ, coi đó là cội nguồn của mọi thắng lợi, quyết định mọi thành công của sự nghiệp cách mạng. Quan điểm có dân là có tất cả, lòng dân là vô địch luôn quán xuyến trong mọi việc lớn nhỏ của Người.

Con Lạc cháu Hồng hướng về nguồn cội. Ảnh: Phú Thọ
Con Lạc cháu Hồng hướng về nguồn cội. Ảnh: Báo Phú Thọ

Minh chứng thì rất phong phú, sinh động, giàu tính thực tiễn. Chẳng hạn Người nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hay khi đất nước có họa xâm lăng, Người khẳng định sức mạnh của lòng dân: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước...”.

Tháng 4 năm nay là kỷ niệm 105 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2022), một nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam lỗi lạc, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống Mỹ, giữa giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, khi có nhiều người e ngại trước tiềm lực kinh tế khổng lồ và vũ khí tối tân của Hoa Kỳ thì Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn vẫn trước sau như một, có một niềm tin sắt đá vào sức mạnh nhân dân. Trong cuốn sách “Thư vào Nam” tập hợp những thư, điện tín quan trọng khi chỉ đạo cách mạng miền Nam đã thể hiện hùng hồn quan điểm của Lê Duẩn khi ông khẳng định, đại ý: Trong các loại hình chiến tranh thì chiến tranh nhân dân và chiến tranh nguyên tử là đáng chú ý nhất. Trong trường hợp không có chiến tranh nguyên tử xảy ra thì chiến tranh nhân dân là vô địch. Thực tiễn lịch sử đã chứng tỏ chân lý này. 

Trong công cuộc kiến quốc thì sức mạnh nhân dân vẫn là yếu tố quyết định tất cả. Tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, chịu thương chịu khó và tìm tòi sáng kiến... đã làm nên những thành quả lớn lao trong mặt trận nông nghiệp ở miền Bắc trước năm 1975 và trong cả nước sau ngày thống nhất non sông. Trong vận hội đổi mới và hội nhập kinh tế, sức mạnh nhân dân vẫn giữ vai trò vô địch trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, những tấm gương trong phong trào thi đua yêu nước từ thị thành đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc vô Nam đã minh chứng hùng hồn lòng dân là cội nguồn sức mạnh lớn lao, bất khả chiến bại.

Mới đây, vào ngày 16/8/2021 trong bài phát biểu tại Đại hội MTTQVN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã căn dặn về đạo đức và trách nhiệm đối với nhân dân: “... Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước về thực hành phong cách dân vận theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân...”.

Ý Đảng hòa quyện với lòng dân, tuy hai mà một thì không có khó khăn nào không thể vượt qua, không có mục tiêu nào không thể thực hiện. Đó là bài học ý nghĩa nhất, một khi biết lấy dân làm gốc, gần dân, tin dân, nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm để dân tin thì sự nghiệp cách mạng luôn bách chiến bách thắng.

Vẫn cần nhắn lại, nhấn mạnh và khẳng định không chỉ một lần: Lòng dân là cội nguồn sức mạnh Việt Nam.

Phạm Xuân Dũng

 


Ý kiến bạn đọc