Multimedia Đọc Báo in

Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát

18:29, 20/03/2023

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 20/3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu đã tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.

Tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lê Thị Thanh Xuân; các ĐBQH tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tại phiên họp, đã có 24 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn, tập trung vào các nội dung như: giải pháp nâng cao hơn nữa tỷ lệ, tiến độ, chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm kịp thời khắc phục những sai lầm nghiêm trọng của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; trách nhiệm của Viện trưởng Viện KSND tối cao trong công tác kiểm sát thi hành án hành chính và giải pháp cụ thể trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính; giải pháp hữu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phòng ngừa, răn đe các loại tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng và lĩnh vực y tế…

Bên cạnh đó, đại biểu còn chất vấn về việc áp dụng các biện pháp tạm giam trong thời gian qua; giải pháp và kiến nghị nhằm khắc phục tình trạng việc thi hành án đối với chủ thể là người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa được quan tâm tổ chức thi hành mà mới chỉ dừng lại ở mức độ thông báo để tự nguyện thi hành; giải pháp sẽ triển khai để kịp thời phát hiện những vi phạm thiếu sót trong công tác giám định…

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời chất vấn của đại biểu về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, dưới góc độ ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, luật quy định 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta có tâm lí sau khi nhận được quyết định bản án có hiệu lực thi hành đương sự có ngay đơn giám đốc thẩm, tình trạng xét xử không có điểm dừng và ngày càng nhiều. 

Trách nhiệm xem xét đơn kháng nghị là của cả TAND và viện KSND. Đối với những vụ việc mà Viện KSND có hồ sơ thì đều giải quyết đạt trên và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu tính cứ có đơn là phải giải quyết thì ngành kiểm sát không đạt bởi nhiều vụ việc không có hồ sơ. 

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm áp lực lớn cho cả tòa án và viện kiểm sát. Thời gian tới người dân nhận thức được điểm dừng, đồng thời các ngành tư pháp nâng cao chất lượng giải quyết. Ngành kiểm sát cũng nỗ lực, cử kiểm sát viên phân loại và xử lý, kiểm soát tỉ lệ giải quyết đơn. Theo đó, đồng bộ từ quy định pháp luật, nhận thức của người dân và nỗ lực của ngành thì mới có thể kiểm soát được tỉ lệ giải quyết.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Về án hành chính, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết hiện nay, phần lớn án hành chính liên quan đến đất đai. Thời gian tới, cần giải quyết những bất cập trong Luật Đất đai hạn từ đó hạn chế khiếu kiện tranh chấp, giá trị đất đai xác định khách quan.

Mặt khác, trong án hành chính có yếu tố cả nể. Cùng với đó, án hành chính liên quan đến quá trình dài, tính chất phức tạp, hồ sơ tài liệu không phải lúc nào cũng được cơ quan hành chính cung cấp đầy đủ, hay việc tham gia phiên tòa của người đứng đầu cơ quan bị khởi kiện hạn chế, hay khi bản án có hiệu lực thi hành thì không phải lúc nào cũng được nghiêm túc thi hành. Từ những nguyên nhân trên ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết án hành chính. Do đó, cần xem xét căn cơ từ pháp luật đến mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống.

Về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết đây là chủ trương xuyên suốt của ngành, nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ. Tuy nhiên, hai yêu cầu này có sự mâu thuẫn với nhau trong thực tế giữa đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm và không để lọt tội phạm là thách thức lớn với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Nhấn mạnh đây là yêu cầu rất cao và ngặt nghèo, do đó thời gian qua, Ban Cán sự và Viện trưởng Viện KSND tối cao yêu cầu toàn ngành là phải quán triệt nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ đối với kiểm sát viên là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đặc biệt Viện trưởng có một chỉ thị chuyên đề chuyên về chống oan sai, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.

Đồng thời đề ra yêu cầu Viện trưởng Viện KSND các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại; trường hợp phải đình chỉ vì không phạm tội thì kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể lãnh đạo đơn vị và xem xét cả trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp trên.

Mặt khác Viện kiểm sát cũng tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan sai và bỏ lọt tội phạm để ngăn chặn kịp thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng ngành, đơn vị các cấp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát trong công tác Đảng cũng như trong chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với yêu cầu chống oan sai, bỏ lọt tội phạm…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các vấn đề được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH đánh giá cao phần trả lời chất vấn, đồng thời ghi nhận các giải pháp, cam kết của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao và các Bộ trưởng tại phiên chất vấn; trên cơ sở kết quả phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn.

Đồng thời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới như: tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; chấp hành nghiêm thời hạn xét xử theo luật định; xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo; chú trọng công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án để giảm bớt các vụ án phải mở phiên tòa xét xử; tiếp tục triển khai hiệu quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; tăng hiệu quả giải quyết đối với một số loại án, nhất là án hành chính…

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác, chấp hành nghiêm thời gian tố tụng; việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hiện quyền công tố; nâng cao hơn nữa trách nhiệm và chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra để hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.