Multimedia Đọc Báo in

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk:

Tập trung nguồn lực triển khai Đề án an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045

17:52, 01/06/2022

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 1/6 Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường. Tại phiên thảo luận, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đã đóng góp ý kiến tham luận. 

Vấn đề thứ nhất đại biểu Nguyễn Thị Xuân quan tâm là an ninh nguồn nước. "An ninh nguồn nước cần phải xác định một cách căn cơ và phải hành động ngay. Bởi lẽ, nước và an ninh quốc phòng, môi trường có mối quan hệ hết sức chặt chẽ. Sự khan hiếm về nước là cực kỳ nhạy cảm, nó rất dễ tạo ra bất ổn, thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh'', đại biểu Xuân nhấn mạnh. 

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân tham luận tại phiên thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Theo vị nữ đại biểu này, có nhiều kiểu mất an ninh môi trường liên quan đến nước. Thứ nhất là những cuộc xung đột vũ trang công khai - tuy ít xảy ra. Thứ hai, thương thuyết đàm phán căng thẳng giữa các quốc gia về chia sẻ nguồn nước. Thứ ba, tranh chấp cộng đồng về chiếm dụng nguồn nước ở nhiều nước nông nghiệp bị phê phán vì đã dùng quá nhiều nước nhưng đóng góp cho nền kinh tế lại không đáng kể. Thứ tư, sử dụng nguồn nước như một công cụ chiến tranh như: xâm chiếm, ngăn chặn, phá hủy các nguồn nước làm cho đối thủ dưới hạ nguồn khốn đốn. Cuộc chiến tranh giành nước là cuộc chiến tranh không có hồi kết. Trong trường hợp mối quan hệ với các nước trong cùng lưu vực có vấn đề thì những nước ở đầu nguồn, các dòng sông có rất nhiều ưu thế trong việc hạn chế khối lượng nước cho các nước hay các vùng dưới hạ lưu. Một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn nước quá cảnh hay không có ưu thế về nước quá cảnh thì nguy cơ mất an ninh nguồn nước càng cao.

Việt Nam có may mắn là đất nước khá dồi dào về tài nguyên nước, tuy nhiên nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt quốc gia; 63% khoảng 5.000 tỷ m3/năm là sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ. Trong khi tổng nhu cầu nước tăng cao theo từng năm. Cùng với đó, các công trình khai thác nguồn nước được xây dựng từ lâu đã xuống cấp khó thay đổi; công năng đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn; tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao, khoảng 25%. Công suất khai thác nước thực tế còn thấp so với năng lực thiết kế; tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn nước cùng với tác động của phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng dân số đô thị sẽ là thách thức lớn cho việc đảm bảo an toàn cấp nước.

Những trận hạn hán và lũ lụt dữ dội trong những năm gần đây ở miền Trung cho thấy khả năng chủ động nguồn nước ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Nước ta có hàng trăm lưu vực sông nhỏ và 23 lưu vực sông lớn, có diện tích từ trên 1.000km ở mỗi lưu vực, nhưng hầu hết các dòng sông đã bị ô nhiễm do xả thải công nghiệp, khai mỏ và dư lượng hóa chất nông nghiệp. Sự thiếu tính toán khoa học trong việc xây dựng quá nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ nhiều chục năm qua cho đến nay thì vẫn để lại những hậu quả không mong muốn.

Những bài học của thế giới về các xung đột môi trường liên quan đến nguồn nước đối với chúng ta chắc chắn là không bao giờ cũ và mới đây Chính phủ đã xây dựng dự thảo Đề án an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước ở giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện đề án đang trình Bộ Chính trị. Đây là việc chủ động, tích cực, cần thiết, khách quan của Chính phủ và chúng ta đã đặt vị trí an ninh nguồn nước đúng tầm quan trọng vốn có của nó.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng rất băn khoăn về tình hình an toàn đập, hồ chứa nước. Hiện cả nước có 7.808 đập, hồ chứa nước với dung tích khoảng 70,5 tỷm3, nhưng công tác bảo trì chưa được quan tâm thường xuyên nên công trình bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm công năng phục vụ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. "Tôi nhất trí với quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sự cần thiết khách quan phải bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước và xác định đây là vấn đề cấp bách cần được ưu tiên quan tâm", đại biểu Xuân khẳng định.

Do vậy, đại biểu Xuân đề nghị Chính phủ sau khi có kết luận của Bộ Chính trị về đề án này cần tập trung xây dựng các giải pháp để thực hiện, trong đó có giải pháp tập trung nguồn lực để triển khai đề án sớm nhất và hiệu quả cao nhất. Đồng thời cũng xin gửi đến kiến nghị của cử tri của tỉnh Đắk Lắk mong muốn Chính phủ quan tâm đầu tư cho Dự án nâng cao an toàn đập, hồ chứa nước và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi tỉnh Đắk Lắk từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2021 - 2025.

Vấn đề thứ hai đại biểu Nguyễn Thị Xuân quan tâm là vấn đề tăng lương tối thiểu. "Tôi đồng tình với đại biểu Nghĩa của Đoàn Lạng Sơn đã phân tích. Vấn đề này được cử tri, nhất là người lao động làm việc theo hợp đồng, người sử dụng lao động đặc biệt quan tâm. Hiện vẫn còn ý kiến khác nhau. Về phía người sử dụng lao động, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ chịu tác động lớn khi điều chỉnh tiền lương vì chi phí đi kèm tăng lên không hề nhỏ. Thực tế chúng ta có những doanh nghiệp sử dụng tới 45 nghìn lao động, chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10 nghìn lao động trên cả nước hiện có rất là nhiều. Tuy vậy người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022. Họ cho rằng trong thời gian qua người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm", nữ đại biểu lý giải.

Đại biểu Xuân phân tích, trước năm 2020, theo thông lệ việc tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1/1 hằng năm. Tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5-7%, nhưng trong hai năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của  COVID-19 tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao. Tiền lương tối thiểu vùng không tăng, thu nhập giảm, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và “bão giá” đang tăng.

Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là đúng đắn và cần thiết. Tuy doanh ngiệp gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương, nhưng việc tăng lương tối thiểu  không chỉ cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực  để phụ hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, cho dù doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ban đầu nhưng tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống, giúp giữ chân lao động ở lại doanh nghiệp, động viên tinh thần đối với người lao động gắn bó hăng say, tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.

Đồng thời tăng lương tối thiểu kịp thời lúc người lao động đang khó khăn thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, là tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. "Tôi đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022 như Tờ trình của Bộ LĐ - TBXH cũng như kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động theo hợp đồng trên cả nước", đại biểu Nguyễn Thị Xuân bày tỏ. 

Kết thúc phần tham luận, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đã gửi đến Chính phủ nguyện vọng của hơn 35% dân số của tỉnh Đắk Lắk là người dân tộc thiểu số, đề nghị tiếp tục thực hiện các chế độ chính sách bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các  vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn để người dân có cơ hội tiếp cận các chính sách bảo hiểm y tế và giảm nỗi lo, gánh nặng cho người dân tộc thiểu số không may bị ốm đau, bệnh tật.

Lan Anh 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.