Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về Bạch Ngọc hoàng hậu

16:30, 30/05/2020

Chùa Am – Diên Quang tự tọa lạc trên sườn núi Am thuộc xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa Am gắn bó với câu chuyện Bạch Ngọc hoàng hậu (vợ vua Trần Duệ Tông) mở đất dựng chùa từ những năm 1428 - 1433.

Bạch Ngọc hoàng hậu và vua Trần Duệ Tông sinh được người con gái tên Ngọc Hiên, tức là Công chúa Huy Chân. Sau khi vua Trần Duệ Tông mất, nhà Trần bắt đầu suy vong, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, giặc Minh sang xâm lược. Trước tình thế đó, Bạch Ngọc hoàng hậu không chịu khuất phục đã dẫn con gái Huy Chân cùng một vài tướng sĩ và dân thường di chuyển khỏi kinh thành về quê hương Trà Sơn, nơi có đất đai màu mỡ, phì nhiêu, bao quanh là núi non hùng vĩ, thuận lợi cho việc chiêu dân định cư lâu dài cũng như dễ kiểm soát những thế lực nhăm nhe từ bên ngoài.

Cổ kính chùa Am.
Cổ kính chùa Am.

Chẳng bao lâu, các ấp định cư mà Bạch Ngọc hoàng hậu chiêu mộ đã lan rộng ra khắp các vùng thuộc huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc (Hà Tĩnh) ngày nay với hàng nghìn mẫu ruộng được khai khẩn, các kho lương thực tích trữ được số lượng ngày càng lớn, chợ búa mọc lên khắp nơi để trao đổi, mua bán…

Năm 1407, quân Minh đánh tan nhà Hồ, nước ta bị giặc Minh đô hộ. Trước họa xâm lăng, Lê Lợi ở Lam Sơn (Thanh Hóa) có tài văn võ đã triệu tập quân sĩ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Khi mở rộng hậu cứ vào tới Nghệ Tĩnh, thuộc hạ của Lê Lợi đã tìm ra vùng đất trù phú do Bạch Ngọc hoàng hậu khai khẩn. Sau khi biết đến thân thế, Lê Lợi đã mời bà diện kiến với tư cách là Hoàng hậu của vua Trần tại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn.

Yêu nước thương dân, căm ghét quân xâm lược, Bạch Ngọc hoàng hậu đã hiến phần lớn lương thực tích trữ được cho nghĩa quân Lê Lợi, tiếp tục chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng vườn, xây dựng hậu cứ vững chắc cho nghĩa quân rồi gả con gái là Công chúa Huy Chân cho Lê Lợi. Đánh dẹp giặc Minh xong, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) xét thấy công trạng lớn lao của Bạch Ngọc hoàng hậu nên đồng ý cho bà xây dựng chùa Diên Quang ở núi Am để tu hành.

Công chúa Huy Chân - Vương phi của Lê Lợi hạ sinh được một người con gái tên là Ngọc Châu, tức Trang Từ Công chúa. Sau khi vua Lê Thái Tổ qua đời, hai mẹ con Công chúa Trang Từ xin về tu hành với Bạch Ngọc hoàng hậu ở chùa Am.

Bảo tháp chùa Am.
Bảo tháp chùa Am.

Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, các hiện vật, nội thất thờ tự của chùa bị hư hại, mất mát nghiêm trọng. Trong các năm 1993, 2000, 2010, 2014 chùa Am đã trải qua các lần trùng tu theo tinh thần giữ nguyên cấu trúc chùa cổ, xây thêm lầu Quan Âm với tượng Bồ tát Quan Âm tự tại phục vụ tín đồ Phật giáo chiêm bái và cầu nguyện. Các đời vua Lê ghi nhận công đức to lớn của Bạch Ngọc hoàng hậu nên tạc tượng bà bằng đồng đen thờ tại chùa Am. Hiện vật quý giá này sau đó bị đánh cắp, rồi được đúc lại bằng đồng. Bên phải thờ các vị Tổ thiền tông và các đời sư Tổ… Bên trái sân chùa có ngôi miếu giải oan, xây hình tháp hai tầng; đỉnh tháp đắp hình hồ lô, hai cửa phía trước có bàn thờ và hương án. Phía phải sân chùa là nhà tăng được xây dựng lại để phục vụ cho cầu sinh hoạt của chư tăng và phật tử.

Chùa Am còn có bốn ngôi bảo tháp được xây cất hàng trăm năm trước, có phong cách kiến trúc độc đáo, nổi bật giữa không gian cửa Phật thanh tịnh, linh thiêng. Đó là tháp Diên Lạc, Từ Nghiêm, Yên Tập, Sinh Tịnh; trong đó, tháp Sinh Tịnh quy mô lớn hơn cả. Tháp được xây phía trước, bên trái cách chùa 100 m. Tháp hình chữ nhật, có hai tầng, tám mái; tầng trên khắc ba chữ Hán “Sinh Tịnh Tháp” niên hiệu Bính Tý đời vua Bảo Đại (1936).

Năm 1995, chùa Am được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc