Multimedia Đọc Báo in

Thăm nhà lưu niệm cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan

10:15, 28/05/2020

Nằm yên bình nơi cuối đường nhánh của buôn Dhă Prông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột), ngôi nhà được treo biển “Sang m’năm k’phê Y Moan” (nghĩa là Nhà uống cà phê Y Moan) với không gian nhỏ nhắn, xanh mát là nơi trưng bày, lưu giữ các hiện vật, tư liệu gắn liền với cuộc đời người con tài hoa của núi rừng Tây Nguyên – cố nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Y Moan.

Vừa khai trương vào đầu tháng 5-2020, ngoài khu vực sinh hoạt của gia đình, ngôi nhà được chia làm ba không gian riêng biệt để khách có thể tham quan, ngắm nhìn những vật dụng sinh hoạt đời thường của người Êđê do cố NSND Y Moan dày công sưu tầm, bảo tồn cũng như tưởng nhớ về người nghệ sĩ đã khuất núi qua các kỷ vật mà ông để lại. Bên cạnh đó, du khách có thể nhâm nhi cà phê, nước giải khát hay nghiền ngẫm từng cuốn sách nơi góc nhỏ của gian thư viện.

Bà Nguyễn Thị Minh Ngẫu – người bạn đời của cố NSND Y Moan chia sẻ: “Với mong muốn có một không gian để mọi người có thể ghé thăm, tìm hiểu rõ thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Y Moan, các con đã bàn với tôi sửa chữa, tạo dựng gian lưu niệm để trưng bày các kỷ vật, tư liệu cũng như những vật dụng mà anh sưu tầm. Đây cũng là những điều gia đình đang cố gắng thực hiện để tưởng nhớ về anh, đặc biệt đúng 10 năm ngày anh mất…”.

Bà
 Vợ cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan chia sẻ về những kỷ vật, vật dụng của chồng để lại. 

Trong không gian tĩnh lặng, nắng gắt của buổi chiều đầu hạ, lời thủ thỉ, tâm tình về kỷ niệm cùng người bạn đời của người phụ nữ ở độ tuổi 60 nhưng vẫn còn giữ được nét mặn mà, duyên dáng thời con gái ấy làm người đối diện bị thu hút, lôi cuốn vào dòng hồi tưởng. Đó là những ngày tháng có những cơ cực, những khó khăn nhưng cũng nhiều niềm vui với người bạn đời mang trong mình dòng máu nghệ thuật, đậm chất đại ngàn.

Góc vật dụng sinh hoạt của người Êđê do cố NSND Y Moan  sưu tầm trong những lần đi lưu diễn  ở các buôn làng.
Góc vật dụng sinh hoạt của người Êđê do cố NSND Y Moan sưu tầm trong những lần đi lưu diễn ở các buôn làng.

“Tôi với anh Y Moan quen nhau ở Đoàn Văn nghệ Đắk Lắk, lấy nhau năm 1979, đến năm 1980 sinh Y Vol, năm 1983 sinh Y Garia, năm 1992 sinh con gái H’Dresden. Anh đi công tác suốt nên khi sinh con gái tôi xin nghỉ việc để ở nhà nuôi con. Năm 1980, anh Y Moan ra Nhạc viện Hà Nội học, chỉ có mình tôi với Y Vol mới sinh ở nhà. Tôi tăng gia thêm, nuôi gà, nuôi heo để gom tiền cho anh đi học. Anh học một thời gian thì Y Vol đau. Thương tôi một mình xoay xở khó khăn nên anh về, không học nữa… Làm vợ của anh tuy vất vả nhưng đổi lại rất vui vì Y Moan nhiều bạn bè, ai cũng thương cũng mến, khách khứa đến chơi liên tục…” – qua lời kể của bà, hình ảnh về người nghệ sĩ tự do, phóng khoáng lại hiện lên rõ nét. Có lẽ bởi tính cách ấy mà bạn bè vẫn “định hình” ông là “cơn gió đại ngàn”, “con sói đại ngàn”, “ngọn lửa cao nguyên”… Trong bức ảnh đen – trắng của tác giả Nguyễn Hữu Bảo được treo trân trọng trong gian trưng bày, hình ảnh Y Moan của một thời tuổi trẻ, tóc xõa bung dài chấm vai, ngồi cầm đàn ghi-ta hát bên ngôi nhà dài, xung quanh là bà con buôn làng đang lắng nghe… cũng phần nào làm tăng thêm cảm nhận về điều ấy. “Cả cuộc đời anh không làm hại ai bao giờ, chỉ biết hát và hát. Đi hát cho đồng bào vùng sâu, vùng xa ai cũng thương, có củ mì, củ khoai lại gói cho để đem về. Anh chẳng bao giờ từ chối hát, bà con yêu cầu hát 2 bài thì anh hát 4 - 5 bài…”, ngắm bức ảnh ấy bà Nguyễn Thị Minh Ngẫu nhớ lại.

53 tuổi đời thì có hơn 35 năm cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc, đi khắp các buôn làng xa xôi, biểu diễn không biết bao nhiêu sân khấu trong và ngoài nước, nhưng gia tài người nghệ sĩ ấy lại vỏn vẹn, khiêm tốn với một album duy nhất “Trở về buôn làng xưa” được thực hiện trong những tháng ngày đau bệnh cuối đời. Sự ít ỏi ấy là điều tiếc nuối lớn – không chỉ của gia đình ông mà còn với cả những người mến mộ. Ngoài album trên, còn có đĩa ghi lại chương trình live show “Ngọn lửa cao nguyên” do bạn bè ở Hà Nội gửi tặng và một đĩa CD “Giấc mơ Chapi” do hai người con trai tập hợp lại các bài hát nổi tiếng của ông.

Bà Nguyễn Thị Minh Ngẫu - người bạn đời của cố NSND Y Moan bên những kỷ vật của chồng.
Bà Nguyễn Thị Minh Ngẫu - người bạn đời của cố NSND Y Moan bên những kỷ vật của chồng.


Số lượng kỷ vật về cố NSND Y Moan chỉ khiêm tốn chiếm góc nhỏ trong gian trưng bày: một vài album, đĩa nhạc, cây đàn ghi-ta đi cùng ông trong những buổi diễn, Kỷ niệm chương của Báo Thể thao và Văn hóa, một số trang phục biểu diễn, ảnh chân dung… Phần còn lại là những vật dụng như: trống, chiêng, ché, nhạc cụ truyền thống, đồ dùng sinh hoạt thường ngày của người Êđê: bầu nước, bếp lửa, gùi, liềm, dụng cụ làm rẫy… được ông sưu tầm, lưu giữ trong những năm tháng đi khắp các buôn làng hát cho bà con nghe.

“Đây cũng mới chỉ tạm trưng bày như vậy, gia đình có nguyện vọng làm thêm một tuyển tập sưu tầm các hình ảnh, bài báo viết về anh Y Moan; bên cạnh đó cũng sẽ kêu gọi thêm anh em, bạn bè, những người đã từng tiếp xúc, yêu quý anh chia sẻ, đóng góp thêm tư liệu, hiện vật liên quan đến anh để gian trưng bày được phong phú, đầy đủ hơn, phục vụ cho người mến mộ tìm đến…”, người bạn đời của nghệ sĩ đại ngàn Y Moan mong muốn.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.