Multimedia Đọc Báo in

Vãn cảnh chùa cổ Hải Tạng trên Cù Lao Chàm

08:09, 20/01/2019

Từ năm 2009, khi được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) nhanh chóng trở thành một địa danh du lịch biển nổi tiếng của miền Trung Việt Nam. Bên cạnh việc khám phá những bãi biển đẹp, hấp dẫn, du khách còn được vãn cảnh ngôi chùa Hải Tạng cổ kính – điểm du lịch tâm linh thú vị ở Cù Lao Chàm.

Theo sử gia phương Tây, Cù Lao Chàm từng tồn tại một hải cảng nơi tàu thuyền ngoại quốc của các nước như Bồ Đào Nha, Trung Hoa, Nhật Bản… đổ hàng vào Trà Nhiêu, Hội An (Quảng Nam). Vì vậy, chùa Hải Tạng được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân trên đảo và cho thương thuyền các nước ghé vào trú tránh bão và hành lễ, cầu nguyện...

Tượng Phật Quan  Thế Âm  nhìn từ  mặt trước chùa  Hải Tạng.
Tượng Phật Quan Thế Âm nhìn từ mặt trước chùa Hải Tạng.

Từ Bãi Làng trên đảo Hòn Lao, men theo những con đường nhỏ ngoằn ngoèo chừng 300 m là đến xóm Cốm, nơi có chùa Hải Tạng uy nghi, cổ kính. Cổng tam quan của ngôi chùa đầy rêu phong như nhuộm màu thời gian. Tam quan với lối kiến trúc xưa gồm 4 trụ biểu, chóp trụ có khối hình hoa sen cao 5 m, rộng 1,5 m; được chia làm ba cổng, với hai lối vào nhỏ và một lối vào lớn được thiết kế theo kiểu mái vòm, bờ nóc, bờ hồi đắp nổi nhiều đường nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển, bên trên lợp ngói âm dương. Kết nối cổng tam quan là bức tường thành bằng đá bao bọc xung quanh được thiết kế trang nhã với những đường nét hoa văn gọn gàng.

Phía trước chùa là tượng Phật Bà Quan Âm đang đứng trên đài sen giữa lòng hồ sen nhỏ, mặt hướng về phía biển Đông như che chở cho cuộc sống an lành của những ngư dân nơi đây. Kết cấu kiến trúc bên trong ngôi chùa còn khá nguyên vẹn. Ở mái hiên, dép hoành cách điệu với hình lồng đèn, thân chạm hình hoa lá, đầu là những cánh sen lật đỡ thẳng lên đòn tay, dưới chạm nổi hình đầu rồng. Hệ thống cửa “thượng song hạ bản” gồm ba bộ, mỗi bộ bốn cánh ngăn không gian bên ngoài với không gian nội thất. Nội thất chùa khá hoành tráng là nhờ những hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng uy nghiêm, hệ thống tượng thờ đồ sộ, đa dạng trên bàn hương án tả hữu. Nổi bật là bộ Tam thế gồm ba tượng Phật; kế đến là tượng Thích Ca ngồi trên đài sen. Đặc biệt, trong chùa hiện vẫn còn lưu giữ một quả Đại hồng chung cổ rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa. Trên chuông có chạm một con rồng mang phong cách những năm đầu thời Lê sơ. Có nhiều ý kiến cho rằng, quả chuông ở chùa Hải Tạng có thể có niên đại trước cả thời điểm xây dựng chùa.

Chùa Hải Tạng là biểu tượng kiến trúc văn hóa Phật giáo độc đáo tiêu biểu trên đảo Cù Lao Chàm và cho cả vùng đất thiêng liêng nằm về phía Đông của Việt Nam. Chùa Hải Tạng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758); sau đó, do bão lớn làm hư hại nặng, chùa được dời về vị trí như hiện nay vào năm Tự Đức nguyên niên (1848). Chùa Hải Tạng thuộc hệ phái Phật giáo Đại thừa, là công trình khá đẹp, có quy mô lớn với kiến trúc kiểu “chồng rường giả thủ” chia ba gian hai lòng, có hậu tẩm, kết cấu vì kèo gỗ và các chi tiết kiến trúc được chạm trổ công phu. Chùa tọa lạc sát chân núi phía tây của đảo Hòn Lao thuộc xã Tân Hiệp (Hội An), phía sau tựa vào núi, mặt nhìn ra một thung lũng nhỏ là cánh đồng lúa duy nhất của Cù Lao Chàm.

Theo các bậc cao niên ngụ cư ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp trên Cù Lao Chàm cho biết, tương truyền, các cây cột được vận chuyển từ ngoài Bắc mang vào xây dựng một chùa nào đó trong Nam nhưng khi đi ngang Cù Lao Chàm, trời tối nên phải neo thuyền nghỉ lại. Sáng ra, khi thuyền tiếp tục lên đường thì thật kỳ lạ, biển tự dưng dậy sóng, thuyền cứ xoay tròn, lòng vòng không đi ra khỏi Cù Lao Chàm được. Sau có người trong đoàn lên cúng, xin keo thì được cho hay số gỗ này không được mang đi mà phải để lại dựng chùa trên đất Cù Lao Chàm. Tên chùa Hải Tạng được gắn với nhiều truyền thuyết hay và tên chữ Hải Tạng mang hàm ý đẹp: Kinh Tạng của Nhà Phật. Tên Hải Tạng còn được lý giải: Hải là biển, Tạng là Tam Tạng kinh điển với ý nghĩa chùa Hải Tạng là nơi hội tụ kinh Tam Tạng mênh mông như biển cả.

Vãn cảnh chùa Hải Tạng nơi biển trời mênh mang, lòng du khách như được trút hết những lo toan, muộn phiền của cuộc sống để rồi lại quay về đất liền với một tâm hồn thanh sạch, phơi phới, tràn đầy niềm lạc quan.

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Di tích và danh thắng Quảng Nam” do Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Nam ấn hành năm 2006.

Sơn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.