Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống: Nhìn từ góc độ những người làm văn hóa cơ sở

12:46, 22/03/2014

Trình độ nghiệp vụ chưa đáp ứng với thực tế; thiếu sự quan tâm, đầu tư đúng mức; đội ngũ cán bộ người dân tộc bản địa còn quá mỏng… là những nguyên nhân khiến công tác bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc tại chỗ chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Chỉ mới làm... một nửa

Ông Y Kô Niê - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT-DL) đánh giá thực trạng chung của đội ngũ làm công tác văn hóa ở cấp cơ sở hiện nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở mức thông tin và tuyên truyền. Có nghĩa là chỉ mới thực hiện được một nửa chức năng, nhiệm vụ được giao nếu hiểu theo nghĩa đầy đủ của cụm từ “văn hóa - thông tin” (VH-TT) mà văn bản quản lý Nhà nước đã quy định. Thực tế cho thấy hoạt động của các cơ quan VH-TT cấp cơ sở (huyện, thị và xã, phường) hiện nay mang tính chất sự vụ là chủ yếu, còn việc chủ động xây dựng cho cơ quan, đơn vị mình một đề tài (dự án) mang tính nghiệp vụ chuyên ngành thì vẫn còn bị bỏ ngỏ!  Nhiều người làm công tác VH-TT ở cơ sở cho rằng: cứ nhìn vào báo cáo (hàng tháng, quý và hàng năm) thì rõ các hoạt động của ngành này như thế nào. Trong báo cáo cũng như trong công việc thực tế, hầu hết các phòng, ban VH-TT đều nghiêng về mảng tuyên truyền, vận động là chính. Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hóa (nhất là văn hóa của các cộng đồng dân tộc tại chỗ) chưa được những người làm công tác VH-TT cơ sở nhận thức đúng mức và đúng tầm.     

Thực hiện nghi lễ cúng bến nước tại Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn.  Ảnh: Giang Nam
Thực hiện nghi lễ cúng bến nước tại Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn. Ảnh: Giang Nam

Theo Phòng Nghiệp vụ văn hóa - Sở VH-TT-DL, từ trước đến nay chưa hề có phòng VH-TT nào ở các huyện, thị xã và thành phố đăng ký và thực hiện được một đề tài nghiên cứu và sưu tầm về văn hóa người bản địa, dù là đề tài cấp thấp nhất. Thỉnh thoảng mới thấy một số ít cán bộ do đam mê mới tự thân lặn lội điền dã nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống mà mình ưa thích. Họ tâm sự: làm việc này cũng vì nhiều lý do - người xót xa trước thực trạng mai một văn hóa truyền thống; người tìm trong đó một chút niềm vui… Anh Bùi Văn Muộn - cán bộ Phòng văn hóa huyện Krông Năng tâm sự: vì say mê với kiến trúc nhà dài cũng như đồ gốm sứ của người Êđê nên anh mới chú tâm tìm hiểu cặn kẽ để bổ sung, nâng cao hiểu biết cho bản thân, chứ không nhất thiết để đáp ứng yêu cầu của công việc. Còn chị H’Hoa - cán bộ phòng VH-TT huyện Cư M’gar lại có suy nghĩ: khi thấy những điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình đang dần bị lãng quên, chị không đành quay lưng nên mới bỏ công tìm tòi phục dựng lại với động cơ trong sáng, chân thành.

Thi giã gạo tại Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Buôn Đôn 2014. Ảnh: Nam Phương
Thi giã gạo tại Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Buôn Đôn 2014. Ảnh: Nam Phương

Kèm theo những tâm sự ấy, họ cũng tỏ ra băn khoăn: những việc làm trên đang gặp phải khó khăn không dễ gì vượt qua, đó là nghiệp vụ biên soạn, lưu trữ và văn bản hóa tài liệu, hiện vật sưu tầm được, rất cần có phương tiện, điều kiện và kỹ năng mới tiến hành được, trong khi đó họ chưa được đào tạo một cách bài bản. Ông Y Kô cho đây là “khoảng trống” đáng lưu tâm đối với đội ngũ làm công tác bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Lễ hội bị giản lược đến mức biến dạng

Ông Y Kô cho rằng: qua Hội Voi Buôn Đôn (diễn ra vào những ngày trung tuần tháng 3 vừa qua) đã cho thấy sự nhập nhằng, lẫn lộn trong khâu tổ chức, quản lý của những người làm công tác VH-TT ở đây. Thứ nhất, do hạn chế về nghiệp vụ và không hiểu thấu đáo vốn văn hóa người bản địa nên đã không phân biệt được đâu là lễ, đâu là hội khi đứng ra đảm trách sự kiện này. Ví như cúng sức khỏe cho voi, cúng bến nước, mừng lúa mới… thì nhất thiết phải có “không gian thiêng” của nó; và chủ thể của các lễ nghi này là tất cả  thành viên trong cộng đồng. Sau khi hoàn tất phần lễ thì phần hội mới bắt đầu…và lúc đó người ngoài mới tham gia trong mối dây giao lưu cộng đồng, cộng cảm. Đằng này, vì không có “không gian thiêng”, các lễ hội diễn ra trong bối cảnh chủ - khách lẫn lộn, thậm chí rất mất trật tự như báo chí đã phản ánh. Thứ hai, vấn đề mà ông Y Kô lưu ý là “kịch bản” cho Hội Voi Buôn Đôn được ngành văn hóa địa phương xây dựng dường như thiếu sự chia sẻ, tham vấn của cộng đồng người bản địa. Việc này lẽ ra những người làm công tác VH-TT huyện phải biết để hướng tới sự chấp nhận và đồng thuận của cộng đồng, dù là dưới giá trị, hình thức mới mẻ nào. Chẳng hạn trong lễ cúng bến nước, mặc dầu ở Buôn Đôn bến nước không còn, phải cúng ở “bến sông” Tha Luống được xây dựng cạnh dòng sông Sêrêpôk, nhưng nghi thức cũng phải được bảo tồn nguyên vẹn đúng với tinh thần truyền thống vốn có xưa nay. Đó là phải có nghi lễ cúng sức khỏe cho người chủ bến nước, bởi đây là phần trọng tâm nhất của buổi lễ. Đằng này, chính ông Y Ka Byă-Bí thư Đảng ủy xã Krông Na-huyện Buôn Đôn thừa nhận nghi thức ấy đã  bị “giản lược” đến mức biến dạng trong lễ hội truyền thống của người bản địa.

Từ những dẫn chứng trên để thấy một điều: đội ngũ làm công tác VH-TT ở cơ sở là những người gần gũi, trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân nhất. Họ biết người dân trong cộng đồng quan tâm đến vấn đề gì liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần của mình để có đề xuất, tham mưu đúng hướng và phù hợp cho cấp có thẩm quyền, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề nằm ngay trong chủ thể này – đó là những hạn chế như đã nêu trong đội ngũ làm công tác VH-TT ở cơ sở hiện nay.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.