Multimedia Đọc Báo in

Từ sân bay Hòa Bình đến Cảng hàng không Buôn Ma Thuột...

09:18, 25/03/2015

Với nhiều cựu chiến binh từng tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, trận tấn công sân bay Hòa Bình (còn gọi là phi trường Phụng Dực) có lẽ là một trong những trận chiến đấu ác liệt nhất. 40 năm đã trôi qua, sân bay Hòa Bình năm nào giờ đây đã trở thành Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột khang trang, hiện đại với hàng chục chuyến bay lên xuống mỗi ngày…

Sân bay Hòa Bình lúc bấy giờ được quân đội Việt Nam Cộng Hòa xác định là cứ điểm quan trọng nên được phòng ngự vững chắc; kế bên là căn cứ Trung đoàn 53 (Sư đoàn 23) ngụy nằm phía đông nam sân bay, được bố trí 5-7 lớp kẽm gai phòng ngự, xen giữa các lớp rào là bãi mìn, lớp tường đất bao quanh căn cứ đắp cao và dày, các lô cốt và các ụ súng cũng được bố trí ngay trong tường đất. Trước sự phòng ngự này của địch, trận chiến đấu giải phóng sân bay Hòa Bình trở thành trận chiến cam go, ác liệt nhất của quân ta trong trận đánh Buôn Ma Thuột: là một trong những mục tiêu mở màn vào ngày 10-3-1975, song phải đến 7 ngày sau sân bay Hòa Bình mới được quân ta giải phóng.

Hành khách làm thủ tục tại Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột hiện nay.
Hành khách làm thủ tục tại Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột hiện nay.

Ký ức về những ngày máu lửa ấy vẫn còn vẹn nguyên trong lòng ông Nguyễn Đức Thịnh (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột), nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316 – một trong những đơn vị chủ lực trong chiến dịch Tây Nguyên. Ông Thịnh nhớ lại: “Đến trưa ngày 11-3-1975, các mục tiêu chính trong cuộc tiến công thị xã Buôn Ma Thuột đã hoàn thành, các đơn vị của Sư đoàn 316 đã hoàn toàn làm chủ thị xã. Tuy nhiên, một số đơn vị của địch thuộc Trung đoàn 53 ngụy đang cố giữ chốt phòng ngự cuối cùng tại sân bay Hòa Bình. Khu vực hậu cứ Trung đoàn 53 và sân bay Hòa Bình trở thành nơi đồn trú của hầu hết các lực lượng ngụy quân đổ về. Ngày 14-3-1975, tôi cùng các đồng đội ở Trung đoàn 149 được tăng cường chiến đấu cùng Trung đoàn 198 với nhiệm vụ giải phóng sân bay Hòa Bình. Do lực lượng địch ở đây còn mạnh, địch dùng phi pháo bắn chặn và bộ binh phản kích liên tiếp, thế trận giằng co quyết liệt. Trung đoàn 149 quen tác chiến ở địa hình rừng núi trong khi đó cả sân bay trống trải, chỉ có một vài bụi tre và toàn cỏ tranh, cỏ mắc cỡ. Địch bắn rát, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh, chính tôi cũng bị một mảnh pháo bắn vào chân làm đứt động mạch đùi vào ngày 14-3. Nếu không được mấy cô công nhân quanh sân bay Hòa Bình cứu, có lẽ tôi cũng đã hy sinh”. Ông Trần Duy Nai, Thị đội trưởng Cơ quan Quân sự thị xã Buôn Ma Thuột bấy giờ cũng còn nhớ rõ những trận giao tranh ác liệt tại khu sân bay Hòa  Bình: Đây là một trận đánh ác liệt vì sau khi nội thị được giải phóng, quân ngụy toàn khu này đều dồn về đó. Đến sáng 17-3,  hai trung đoàn của Sư đoàn 316 và Sư đoàn 10 đánh chiếm toàn bộ sở chỉ huy Trung đoàn 53 – căn cứ mạnh nhất còn lại của địch ở Buôn Ma Thuột, thừa thắng ta tiến đánh sân bay Hòa Bình, căn cứ thiết giáp, pháo binh cùng các mục tiêu còn lại trong thị xã và ngoại vi.

Hòa bình lập lại, ngày 10-3-1977 Nhà nước ta mở lại các đường bay từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và ngược lại với chức năng là sân bay hàng không dân dụng. Ông Phan Văn Đình, một trong những chiến sĩ của đơn vị tiếp quản sân bay Hòa Bình những năm sau giải phóng, sau đó một thời làm Giám đốc Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, nhớ lại: “Năm 1979, tôi và các đồng đội Trung đoàn 99 thuộc Bộ Quốc phòng chuyên về vận tải hàng không được phân công về tiếp quản sân bay Buôn Ma Thuột. Mặc dù lúc đó ta đã xây lại nhà ga mới song nhà ga cũng rất nhỏ, khung cảnh sân bay sau chiến tranh khá hoang tàn, mỗi tuần chỉ có 2 chuyến bay mà hành khách chủ yếu là cán bộ đi công tác. Bây giờ khung cảnh đã thay đổi rất nhiều rồi. Nhìn sân bay hiện đại, xanh – sạch - đẹp như ngày nay, không ai có thể tưởng tượng được nơi đây đã từng là một bãi chiến trường hoang tàn, khốc liệt. Tôi cảm thấy thật sự hãnh diện và tự hào vì mình đã góp sức tạo nên sự đổi thay ấy”.

Quả thật, sân bay Hòa Bình “trống trải, toàn cỏ tranh, cỏ mắc cỡ” đã trở thành Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột khang trang, hiện đại khiến những cựu chiến binh như ông Nguyễn Đức Thịnh đều cảm thấy ngỡ ngàng. Từ năm 2000 trở lại đây, hoạt động khai thác tại Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thực sự nhộn nhịp; cùng với đó, cơ sở hạ tầng cũng được chú trọng đầu tư xây dựng. Nơi chiến trường ác liệt năm xưa nay đã trở thành cảng hàng không hiện đại cấp 4C theo chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, với đường băng dài 3.000 m, đủ năng lực tiếp nhận các loại máy bay tầm trung như A320, A321, ATR72, F70... Đặc biệt, từ cuối năm 2011, nhà ga hành khách Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đã được hoàn thành đưa vào khai thác với tổng diện tích 7.175m2, sử dụng cho cả chuyến bay nội địa và quốc tế, gồm 12 quầy làm thủ tục lên máy bay cho hành khách tại nhà ga và 3 hệ thống băng chuyền hành lý, công suất 800 khách/ giờ cao điểm, tương đương với 2 triệu hành khách/năm. Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột cũng đã hoàn thiện hệ thống đường giao thông kết nối với nhà ga, hệ thống đường công vụ, sân đỗ ôtô và các công trình phụ trợ. Vận tải hàng không tại Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột hiện được đánh giá rất ổn định về lượng hành khách đi-đến với trung bình 20 chuyến bay mỗi ngày, đặc biệt năm 2014 số lần hạ cất cánh tăng hơn 26,2% so với năm 2013.

Xung quanh sân bay là cà phê xanh bạt ngàn, xen trong đó là những mái nhà đủ màu sắc của những khu dân cư trù phú. Cuộc sống đủ đầy, giao thông hàng không tiện lợi chính là lời đáp tạ của hiện tại đối với những chiến sĩ, liệt sĩ đã đổ máu xương giải phóng sân bay Hoà Bình, giải phóng Buôn Ma Thuột.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.