Multimedia Đọc Báo in

Giao lưu tôn vinh bản anh hùng ca Tây Nguyên kháng chiến và kiến quốc: Vang mãi bản hùng ca cách mạng

09:44, 13/03/2012

Những câu chuyện kể xúc động về tình quân dân, tình đồng đội, những chiến công, hy sinh thầm lặng của người ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước; những bài hát do chính các cựu chiến binh cùng nhau ca vang…  như làm sống lại không khí của thời khói lửa, đạn bom đầy hào hùng, kiên cường, anh dũng thuở nào. Đó là ấn tượng của Chương trình “Giao lưu tôn vinh bản anh hùng ca Tây Nguyên kháng chiến và kiến quốc” do Tỉnh Đoàn phối hợp với Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam tổ chức vừa qua.

Những bản hùng ca được trình bày bởi các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã làm sống lại không khí hào hùng thuở nào.

Vượt qua hơn 1.000 km trong hành trình “Về nguồn – thăm lại chiến trường xưa”, từ thủ đô Hà Nội, 250 đại biểu là các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân những người có công ở các tỉnh phía Bắc đã đặt chân đến Buôn Ma Thuột đúng ngày 10-3, cùng tham dự chương trình giao lưu với tuổi trẻ các dân tộc Dak Lak. Sự gặp gỡ giữa hai thế hệ diễn ra trong sự ấm áp, thân mật, kéo gần khoảng cách bởi những câu chuyện kể đầy cảm động. Đó là câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Văn Giang về thời kỳ chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên tuy nhiều gian khổ, hy sinh nhưng lại đầy nghĩa tình với đồng bào Tây Nguyên. Đó cũng là câu chuyện thắm tình đồng đội của cựu chiến binh Ngô Xuân Tiêm qua bao năm tháng đi tìm di hài và trả lại được tên cho các đồng đội mình. Hay câu chuyện của người chiến sĩ cách mạng Vũ Xuân Tròn bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa Lò, trong những tháng năm xây dựng đất nước đã công tác tại địa phương, làm chủ nhiệm hợp tác xã từ những năm 1979 – 1989 góp phần đưa vùng Yên Sở (thuộc Thanh Trì, Hà Nội) trở thành lá cờ đầu về phát triển nông nghiệp, là mô hình học tập của nhiều vùng miền tại thời kỳ đó. Và mới đây ông vận động nhân dân xây dựng một ngôi đền làm nơi thờ phụng những người có công và trở thành “trung tâm văn hóa” để người già, lớp trẻ đến sinh hoạt, hướng về cội nguồn, quá khứ dân tộc… Và còn nhiều những câu chuyện khác nữa về tinh thần, ý chí, quyết tâm vượt khó của những người cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong cũng làm xúc động bao người. Những tấm gương vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình nhưng cũng không quên hoạt động xã hội, giúp đỡ đồng đội đang còn khó khăn, neo đơn như người Đại đội phó thanh niên xung phong Lê Thị An trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa ngày nào, các cựu chiến binh Nguyễn Văn Đảm, Vương Thị Lễ…

Sự xúc động cũng hiện trên từng gương mặt khi những lời ca, tiếng hát được cất lên do chính các cựu chiến binh biểu diễn – tuy không chuyên nghiệp, nhưng đầy xúc cảm, hào hùng. Những tiết mục của các cháu thiếu nhi, thanh niên biểu diễn xen với những tiết mục của các bậc cao niên ở tuổi “xưa nay hiếm” không làm “vênh” chương trình, mà trái lại như hòa quyện tạo thành một mạch dài tiếp nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai.

Sự ấm áp càng được nhân lên bởi tấm lòng chia sẻ với những người đồng đội đang còn gặp khó khăn tại chương trình: 10 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) đã được Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam trao tặng các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Và có lẽ đọng lại trong mỗi người tham dự là những ấn tượng khó quên về những bài học lịch sử, về truyền thống cách mạng, về tình đồng đội, sự nhân văn cao đẹp của những người cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong ấy.

Song Anh


Ý kiến bạn đọc