Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Trồng trọt (Kỳ 6)

08:13, 05/10/2019

Câu 19. Theo quy định của Luật Trồng trọt thì phân bón phải được khảo nghiệm khi nào? Và những loại phân bón nào không phải qua khảo nghiệm?

Khoản 1 và khoản 2 Điều 39 Luật Trồng trọt quy định về việc khảo nghiệm phân bón như sau:

-  Phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành, trừ các loại phân bón sau thì không phải khảo nghiệm:

+ Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm (N) hoặc lân (P) hoặc kali (K), đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm (N), lân (P), kali (K) được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Câu 20. Để được công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón thì tổ chức cần phải đáp ứng điều kiện gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Trồng trọt để được công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón, tổ chức khảo nghiệm phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học và phải tham gia tập huấn khảo nghiệm phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Có đủ số lượng nhân lực thực hiện khảo nghiệm, không kể người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm, có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và phải tham gia tập huấn khảo nghiệm phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón.

Câu 21. Điều kiện để tổ chức, cá nhân được sản xuất phân bón được Luật quy định như thế nào?

Điều 41 Luật Trồng trọt quy định về điều kiện sản xuất phân bón như sau:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.

- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón bao gồm:

+ Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với quy mô sản xuất;

+ Có dây chuyền, máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất từng loại, dạng phân bón;

+ Có phòng thử nghiệm hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất;

+ Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và được cập nhật với tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành về quản lý chất lượng;

+ Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt;

+ Người trực tiếp điều hành sản xuất phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón có thời hạn là 5 năm và được cấp lại.

Câu 22. Điều kiện để tổ chức, cá nhân được buôn bán phân bón được Luật quy định như thế nào?

Điều 42 Luật Trồng trọt quy định về điều kiện buôn bán phân bón như sau:

- Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; trường hợp buôn bán phân bón do mình sản xuất thì không phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.

- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bao gồm:

+ Có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng;

+ Có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định;

+ Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

(Còn nữa)

Hoàng Phạm Hùng Cường (Sở Tư pháp)

 

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.