Multimedia Đọc Báo in

Chuối lửa - đặc sản của vùng đất Tây Nguyên

07:43, 25/04/2018
Chuối lửa, hay còn có tên khác là chuối tím (thường gọi theo tiếng Êđê là M’tei pui) được biết đến là một giống chuối “cổ” ở Tây Nguyên, quả to,  màu sắc rất bắt mắt, hương vị thơm ngon.

Đúng như tên gọi, phần thân cây chuối có màu tím nhạt, buồng chuối non cũng khoác lên mình sắc tím ấy, đến khi già và gần chín trái chuối mới chuyển sang màu hồng cam sáng bóng và có một sức hút kỳ lạ . Già Aê Ngóe ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) kể: Chuối lửa có đặc điểm là thời gian từ lúc trổ buồng đến lúc quả chín lâu hơn so với các loại chuối khác khoảng hơn 2 tháng. Không ai biết rõ nguồn gốc của giống chuối lửa này bắt nguồn từ đâu nhưng thời ông bà còn ở buôn cũ tận trong rừng đã thấy có chúng, nhà nào cũng trồng vài bụi, đến bây giờ thì ít nhà còn trồng…

Đối với nhiều người con của vùng đất đỏ Tây Nguyên, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số tại chỗ thì chuối lửa là loại quả khá quen thuộc, hình ảnh chuối lửa mang lại cho họ nhiều xúc cảm xen lẫn những kỷ niệm. “Nhắc đến chuối lửa, cả bầu trời tuổi thơ của tôi và em gái lại ùa về. Hồi còn sống, bà cố tôi trồng bên cạnh chòi rẫy một cây chùm ngây và một bụi chuối lửa. Khi chuối chín, bà luôn để dành phần cho anh em tôi những quả to nhất, ngon nhất. Đến khi bà mất, bụi chuối không hiểu vì sao cũng tàn lụi theo rồi chết luôn, kể từ đấy gần như tôi ít thấy chuối lửa trong khu này” - Y Long Niê, ngụ tại buôn Cuôr Đăng A, xã Cuôr Đăng xúc động trải lòng.

Cây chuối lửa mới ra buồng non của người dân ở Cư M’gar.
Cây chuối lửa mới ra buồng non của người dân ở Cư M’gar.

Do ít nhà còn trồng, mà có trồng thì cũng chỉ để ăn trong gia đình, ít mang ra buôn bán, trao đổi nên hiện nay nhiều người không biết đến và cảm thấy lạ lẫm với quả chuối lửa, nhưng khi đã thưởng thức rồi lại đâm “nghiện”. Chị Như Lê, ngụ phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) kể rằng lần đầu tiên nhìn thấy giống chuối có màu hồng cam, thấy lạ và cũng tò mò muốn thưởng thức nên mua về ăn thử mới biết rất ngon, ngon theo cách riêng của nó. Vì cả nhà đều thích ăn nên chị xuống tận huyện Cư Kuin tìm mua giống về trồng trong vườn nhà, qua 6 tháng trồng và chăm sóc, đến nay cây đã lên xanh tốt và cho ra buồng đầu tiên. Còn chị Hồng Minh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi biết đến chuối lửa từ nữ đồng nghiệp người Êđê đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng quan tâm đến thực phẩm sạch, bạn ấy đã giới thiệu cho chúng tôi một số loại rau quả đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, trong đó có chuối lửa. Chúng tôi chọn loại quả này không chỉ bởi màu sắc bắt mắt mà còn bởi nó có hương vị thanh mát, tươi ngon, không quá ngọt, phù hợp với người muốn giảm cân…”.

Nải chuối lửa khi chín rất bắt mắt.
Nải chuối lửa khi chín rất bắt mắt.

Có lẽ vì vậy mà hiện chuối lửa được bán với giá khá cao  trung bình 50.000 - 80.000 đồng/nải,  thậm chí còn cao hơn nữa trong các dịp lễ, tết, khi nhu cầu của khách hàng tăng cao. Nắm bắt nhu cầu đó, hiện nay nhiều người đang đầu tư trồng chuối lửa, vừa đem lại lợi ích về kinh tế vừa góp phần bảo tồn giống chuối “cổ” của vùng đất Tây Nguyên.

Djuang Niê
 

Ý kiến bạn đọc