Multimedia Đọc Báo in

Thăm ngôi chùa lâu đời nhất Bình Định

08:04, 07/01/2018

Chùa Thập Tháp, nguyên tên Thập Tháp Di Đà tự, là một trong năm danh tự của tỉnh Bình Định được ghi vào sách “Đại Nam nhất thống chí” với lời nhận định: “Chùa này cùng với chùa Linh Phong đều nổi tiếng là danh thắng”.

Thập Tháp là ngôi chùa cổ nhất ở Bình Định hiện nay. Chùa nằm về phía bắc thành Đồ Bàn (còn gọi là thành Hoàng Đế), gần tháp Cánh Tiên, tọa lạc tại thôn Vạn Thuận (xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn), cách TP. Quy Nhơn gần 30 km về phía bắc, cách Quốc lộ 1A khoảng 100 m về phía tây. Ca dao Bình Định có câu: “An Nhơn có núi Mò O/Có chùa Thập Tháp, có đò Trường Thi”. Chùa Thập Tháp là một trong những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng nhất của xứ Nẫu.

Chùa được xây dựng trên một gò đất khá rộng hình mai rùa có chu vi gần 1 km được gọi là gò Thập Tháp (mười ngôi tháp). Theo truyền thuyết, sau khi xây dựng xong kinh thành Đồ Bàn, tức thành Vijaya, người Chăm cho xây ở gò này mười ngôi tháp để yểm trấn. Sách “Đại Nam nhất thống chí chép”: “Sau chùa có mười tòa tháp Chàm, nhân đó thành tên, nay mười tháp đã đổ nát”. Tên gọi chùa Thập Tháp bắt nguồn từ đó.

Chánh điện chùa Thập Tháp.
Chánh điện chùa Thập Tháp.

Về sự ra đời của chùa, theo sử liệu, vào năm 1665 đời Chúa Nguyễn Phúc Tần, có một nhà sư Trung Hoa là Nguyên Thiều (tổ thứ 32 dòng thiền Lâm Tế) đến đất Quy Ninh (Bình Định ngày nay) truyền đạo. Năm 1683, ông lấy gạch cũ từ mười ngôi tháp đã đổ để xây nên chùa. Năm Chính Hòa thứ 12 (1691), Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch đề “Thập Tháp Di Đà tự” và lệnh cho nhà sư Nguyên Thiều vào Đàng Trong tiếp tục truyền đạo, lập chùa. Như vậy, tính đến nay, ngôi chùa này đã có tuổi đời gần 350 năm.

Chùa có kiến trúc cổ kính, hài hòa. Trước chùa là một hồ sen lớn. Gần cổng chùa là cây bồ đề trăm tuổi. Bên trong chùa được chia thành các khu như chánh điện, nhà phương trượng, tây đường, tòa tháp an vị của các trụ trì… Chùa Thập Tháp nổi tiếng với nhiều hiện vật, nhất là di sản Hán Nôm còn để lại. Trong chùa hiện còn hàng trăm câu đối, hoành phi, văn bia và các bộ kinh tạng, sử sách bằng chữ Hán rất giá trị. Chùa được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 1990.

Về thăm chùa Thập Tháp, du khách sẽ được vãn cảnh hồ sen, vườn cây, tháp cổ, được đắm mình trong không gian thanh tịnh giữa chốn thiền môn. Đặc biệt, chùa còn gắn với nhiều giai thoại nổi tiếng. Câu chuyện về hạt lúa khổng lồ, về con bạch hổ ngồi dưới gốc bồ đề trước cổng chùa nghe kinh, chuyện về ngôi tháp Trắng, hòn đá chém (còn gọi là hòn đá oán hờn, gắn với việc nhà Nguyễn trả thù nhà Tây Sơn, hiện vẫn còn được giữ trong chùa)… là những giai thoại hấp dẫn mà du khách sẽ được nghe kể khi đến thăm chùa.

Phạm Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.