Multimedia Đọc Báo in

Vườn cò ông Phiết

16:57, 06/08/2017

Ngày ấy vùng nông thôn còn rợp bóng tre xanh, khắp làng quê cơ man là tre, thảng hoặc trong vườn các nhà có trồng thêm vài cây xoan để khi xoan lớn thì làm nhà. Tre là đặc trưng của làng quê, là hồn quê, hệt như hình tượng “cây đa, bến nước, sân đình” để nói về hình bóng quê hương trong thơ ca Việt.

Trong làng Yên Phó, nhà ông Phiết có vườn tre rộng đến dăm mẫu là nơi đàn cò vài trăm con chọn làm nơi “Đất lành chim đậu”. Ông Phiết người to lớn, lực lưỡng, ngày có thể cày đến vài sào ruộng, đến trâu cũng phải mệt. Ông có thói quen khạc khan nên đi đâu, vào nhà ai chỉ nghe tiếng khạc ngoài ngõ là biết ngay ông Phiết sắp xuất hiện. Vườn cò nhà ông chẳng biết có tự khi nào, chỉ biết rằng chúng ngày càng sinh sôi đông đúc. Người xa quê chỉ cần về đến đầu làng, nhìn thấy những cánh cò bay chấp chới thì chân bước nhanh hơn, lòng rộn ràng thêm, niềm vui nhân lên gấp bội…

Một lần, mấy thằng học trò lớp sáu mò vào vườn định bắt trộm cò con về nuôi. Chúng ồ lên ngạc nhiên khi được đặt chân vào “vương quốc” của loài chim cánh trắng. Giữa trưa mà cả khu vườn mát rượi bởi bóng tre râm mát, dưới đất trắng xóa phân cò. Hình như để đề phòng kẻ gian vào phá tổ cò, ông Phiết chặt cành tre rấp kín khắp vườn. Vừa rón rén lựa chân lội qua những cành gai tre, bọn trẻ vừa ngước mắt nhìn lên ngọn tre cao để “chọn cò con”. Cơ man là tổ cò, có tổ cò mẹ đang nằm ấp trứng, có tổ cả cò mẹ và cò bố đang tha rác xây tổ. Nhiều chú cò con ra ràng đang đứng bên cạnh tổ đập cánh tập bay. Quên hẳn mình đang là “kẻ trộm”, bọn trẻ í ới gọi nhau rồi chỉ trỏ lên những chú cò ra ràng để tìm cách trèo lên. Thấy động, cả vườn cò bay táo tác, cất tiếng kêu váng cả vùng. Ông Phiết bước từ nhà ra, vẫn là tiếng khạc khan kèm theo bước chân thịch thịch của lực điền, ông che tay nhìn khắp vườn. Phát hiện ra mấy cái đầu trẻ con đang cố nấp sau gốc tre, ông bước tới, lôi từng thằng đứng lên rồi quát: “Mấy thằng này là con cái nhà ai, vào bắt trộm cò hả?”. Nạt vậy, nhưng thấy mấy thằng nhóc lấm lét nhìn nhau, toàn thân run như cầy sấy, ông lại nhẹ giọng: “Muốn cò con về nuôi thì bọn bay hỏi xin đàng hoàng chứ sao lội vào vườn bắt trộm. Thôi, tao cho mỗi đứa một con, nhớ nuôi cho tử tế nha. Thằng nào để cò chết là tao phạt đấy”. Lũ trẻ mừng húm. Ông Phiết lấy chiếc sào dài, trên đầu sào có chiếc lồng nhỏ chuyên dùng để bắt cò con, bắt cho mỗi thằng một chú cò tuyệt đẹp. Cầm cò trên tay, thằng nào thằng nấy xin, rồi hứa, rồi ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi vườn như chẳng biết có gai góc dưới chân. Ra khỏi vườn, chúng còn láo nháo tranh cãi chí chóe về việc cò con của thằng nào đẹp hơn, đáng yêu hơn…

 Mùa dông bão đến, gió giật quật đổ xô gãy mọi thứ. Cau non rụng trắng gốc, thị xanh rụng khắp vườn, bòng bưởi, cam chanh cũng rụng la liệt. Người lớn thì xót xa, nhưng với bọn trẻ thì đấy lại là khi chúng “vào mùa thu hoạch”. Bà Thởm già nhà ở giữa làng hay ăn trầu nên rất cần có cau. Góc vườn nhà bà có cây thị cổ thụ to thật là to, quả sai lúc lỉu. Bọn trẻ đi nhặt cau non rụng mang đến đổi. Cứ ba chục quả cau non bà Thởm đổi cho bọn trẻ một quả thị chín hái trước bão, chúng bỏ vào túi thơm lừng. Chơi chán, đến khi thị mềm nhũn thì ăn, vị ngọt đến khôn tả. Rồi chúng nhặt những trái bưởi rụng đem hơ trên lửa cho mềm làm quả bóng đá, đá ngay trên mặt sân ướt còn đầy những lá tre, lá xoan rụng sau bão, hò hét um cả xóm. Chơi chán, chúng sực nhớ đến vương quốc vườn cò nhà ông Phiết. Cái ham muốn khám phá đã làm chúng quên tiệt lời hứa “không tự tiện lội vào vườn khi chưa xin phép” hôm nào. Lại lò dò như những tên thám báo, chúng lom khom vào vườn và quy ước với nhau không thằng nào được cất lời, mà chỉ ra hiệu bằng tay: giơ bàn tay phải lên là “dừng lại”, vẫy tay là “đi tiếp”, giơ ngón tay trỏ lên là “chú ý, có người”… Vườn cò sau bão nhìn thật tang thương: tổ cò rơi khắp nơi, trứng cò vỡ vàng trên đất; nhiều con cò con đủ lông cánh có, mới mọc lông măng có đang run rẩy dưới gốc tre; thậm chí nhiều con mới nở đã chết do rét, do ngấm mưa. Trên đầu thì hàng trăm cò mẹ, cò bố bay táo tác, kêu những tiếng kêu não lòng… Chợt ở phía kia có tiếng khạc khan của ông Phiết đang dọn vườn và nhặt cò con cho vào chiếc lồng nhỏ bỏ lại lên tổ. Bọn trẻ vội nhặt mỗi đứa hai con cò ra ràng rồi nhẹ nhàng lủi khỏi vườn…

Bây giờ những bờ tre, bụi tre ở vùng thôn quê đã dần vắng bóng. Hàng rào tre đã bị chặt để thay thế bằng bức tường gạch cho ngang tầm với những ngôi nhà mái bằng, nhà tầng xi măng cốt thép hoành tráng. Ông Phiết đã mất, vườn cò cũng không còn. Đất vườn cò đã được chia cho mấy người con làm nhà vườn, trên đất trồng cây bon sai, cây cảnh xanh vàng tím đỏ suốt bốn mùa. Bốn bề chung quanh là dãy hàng rào xây kiên cố với chiếc cổng sắt nặng nề khi mở cứ rít lên như hù dọa…

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.