Multimedia Đọc Báo in

Làng mộc Kim Bồng - Hội An

10:42, 12/06/2011

Làng Kim Bồng (xưa kia có tên gọi là Kim Bồng Châu) nằm cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3km về phía tây nam, là vùng đất bồi ven sông Củi, thuộc hạ lưu sông Thu Bồn, hiện nay thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Để đến được làng mộc Kim Bồng, du khách có thể đi bằng thuyền từ bến đò trên đường Bạch Đằng - Hội An, kết hợp với đi xe đạp hoặc xe máy để đến tham quan các trại sản xuất và các di tích liên quan đến nghề mộc tại đây...

Theo gia phả của các dòng tộc tại làng Kim Bồng và theo lời kể của các nghệ nhân cao tuổi, vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, khi Hội An trở thành thương cảng phồn thịnh ở Đàng Trong thời các Chúa Nguyễn, sự phát triển kinh tế thương nghiệp đã dẫn đến sự phân công lao động rõ rệt ở vùng ven thương cảng Hội An. Trong bối cảnh lịch sử đó, nghề mộc Kim Bồng đã được hình thành và phát triển. Tương truyền rằng, nghề mộc Kim Bồng do các thợ thủ công từ Bắc bộ, Bắc Trung bộ vào Kim Bồng khẩn hoang ruộng đất, lập nên làng xã và gây dựng nên nghề mộc... Đồng thời, trong lịch sử phát triển của thương cảng Hội An đã diễn ra sự giao lưu văn hóa, kỹ thuật, kinh tế giữa người Hội An với người Trung Hoa và người Nhật Bản. Những người thợ mộc thời kỳ đó đã tiếp thu, chọn lọc những kỹ thuật làm mộc tinh xảo của họ. Đặc biệt, trong lịch sử tồn tại và phát triển của làng mộc Kim Bồng, nhiều thợ mộc có tay nghề cao của làng đã được triều đình nhà Nguyễn triệu hồi về kinh đô Phú Xuân (Huế) để xây dựng các công trình kiến trúc cho vua, quan vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhiều thợ mộc làng Kim Bồng đã được nhà Nguyễn phong hàm Bát, Cửu phẩm, phong danh Công tượng...

Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng đang chạm khắc các sản phẩm bằng gỗ.
Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng đang chạm khắc các sản phẩm bằng gỗ.
Hiện nay ở xã Cẩm Kim có khoảng hơn 10 trại mộc đóng ghe thuyền, mộc xây dựng, mộc gia dụng và mộc mỹ nghệ với khoảng 20 nghệ nhân mộc có kinh nghiệm trong nghề như: Đổ Tứ, Huỳnh Ri, Phan Diện, Lê Tài... cùng với hàng trăm thợ mộc trẻ đang tham gia sản xuất kinh doanh trên địa bàn khu phố cổ Hội An, cùng tham gia trùng tu, tu bổ các di tích kiến trúc cổ. Ngoài ra, các thợ mộc ở làng Kim Bồng còn được mời tham gia thi công các công trình xây dựng ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác... Tuy mỗi lĩnh vực sản xuất mộc có đặc điểm, bí quyết sản xuất đặc thù nhưng tất cả đều chung một quy trình cơ bản như sau: Vẽ mẫu ra cây (cưa gỗ thành các phần tương ứng với sản phẩm dự định làm); dọn cây (bào, nạo làm láng thân cây gỗ), lấy mực (đo, điều chỉnh kích thước cho phù hợp với sản phẩm), tạo mộng (đục, khoét mộng), nhập (đóng ráp các bộ phận thành một sản phẩm hoàn chỉnh), trau (chà láng, sơn, thiếp, khảm... sản phẩm). Để thực hiện các công đoạn này, người thợ mộc Kim Bồng dùng các công cụ sản xuất chính như: cưa, đục, bào, nạo, khoan, búa...

Sản phẩm của làng mộc Kim Bồng gồm có các loại đồ gia dụng như bàn, ghế, tủ, giường, sập gụ, tủ thờ...; các loại đồ gỗ mỹ nghệ gồm đồ gỗ lưu niệm, các loại đồ thời được sơn son, thiếp vàng, cẩn, khảm...; các công trình xây dựng, tu bổ, trùng tu kiến trúc gỗ, các loại ghe thuyền đi sông, đi biển... Đặc điểm nổi bậc của sản phẩm làng mộc Kim Bồng khiến cho khách hàng rất ưa chuộng chính là tính cân đối và thẩm mỹ cao của sản phẩm. Nhiều chi tiết gỗ của sản phẩm, của các công trình kiến trúc gỗ được chạm, khắc, cẩn rất công phu và tinh xảo theo các đồ án truyền thống như lưỡng long tranh châu, long lân quy phụng, tùng cúc trúc mai, tứ thời, tứ bình, bát cửu... cùng với các điển tích cổ. Vì vậy, sản phẩm mộc Kim Bồng trông như những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc mềm mại, lộng lẫy và hoành tráng.
Du khách đến làng mộc Kim Bồng, ngoài việc tham quan, mua sắm tại các trại mộc, các cửa hàng bán đồ lưu niệm còn có thể dạo bước quanh làng tham quan các di tích tín ngưỡng liên quan đến nghề mộc tại nơi đây. Những di tích kiến trúc cổ này được chính những bậc tiền nhân của làng mộc Kim Bồng xây dựng và chạm khắc hết sức công phu, điêu luyện như đình Tiền hiền, các nhà thờ tộc có đông đảo thợ mộc như nhà thờ tộc Nguyễn, tộc Huỳnh, tộc Phan, tộc Trương, tộc Lê, tộc Đỗ, tộc Bùi và một số Công tượng...

Hằng năm, cứ vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, các thợ mộc làng Kim Bồng đi làm ăn ở khắp nơi đều tề tựu về Đình thờ Tổ nghề mộc để làm lễ tri ân và cúng Tổ nghề. Đây là dịp hết sức thiêng liêng để các thợ mộc Kim Bồng thắp nén nhang thành kính ghi ơn Tổ nghề và cũng là ngày cúng mở hàng ra quân sản xuất đầu năm. Sau lễ cúng, các trại mộc lại bắt tay vào công việc sản xuất, một số thợ khác thì tỏa đi khắp nơi đem tài hoa của mình làm đẹp cho các công trình kiến trúc gỗ ở các địa phương. Đến cuối năm, vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch, các trại mộc lại làm lễ cúng Tổ, cúng tất niên, phát thưởng cho thợ, kết thúc một năm sản xuất.

Hiện nay, các thợ mộc Kim Bồng vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát huy nghề nghiệp gia truyền của cha ông để lại. Ngày càng có nhiều xưởng mộc mỹ nghệ Kim Bồng được hình thành, sản xuất ra những mặt hàng có giá trị, mang bản sắc văn hóa quê hương phục vụ cho khách du lịch và xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều thợ mộc xây dựng làng Kim Bồng đã và đang góp phần tích cực vào sự nghiệp tu bổ, tôn tạo, trùng tu các công trình kiến trúc gỗ quan trọng nằm trong quần thể di tích của đô thị cổ Hội An... góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn Di sản văn hóa này được trường tồn mãi mãi với thời gian.

Mai Hồng Lâm

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.