Multimedia Đọc Báo in

CNTT đã sẵn sàng cho ngày bầu cử

14:35, 15/05/2011

Hoạt động bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) năm nay có tham gia mạnh mẽ của phần mềm trong việc quản lý hồ sơ các ứng cử và kết quả bỏ phiếu.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học (TTTH) Văn phòng Quốc hội cho biết, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động bầu cử ở Việt Nam bắt đầu được triển khai từ năm 1997. Khi đó, TTTH đề xuất ứng dụng CNTT để giúp Hội đồng bầu cử (HĐBC) tổng hợp kết quả bầu cử. Tuy nhiên, lúc đầu các lãnh đạo, cá nhân liên quan tới công tác bầu cử còn sợ trục trặc, ngại ứng dụng công nghệ khi đã quá quen với cách làm thủ công nên việc ứng dụng CNTT chỉ dừng ở mức đơn giản như sử dụng Excel vào khâu kiểm phiếu… Dần dần, nhận thấy CNTT có thể “gánh đỡ” được rất nhiều phần việc, đến năm 2007, HĐBC và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã tin tưởng giao cho TTTH triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT vào công tác bầu cử. Và năm nay, hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ bầu cử ĐBQH đã được Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT của Quốc hội phê duyệt kế hoạch từ rất sớm, với hai nội dung chính là xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm phục vụ bầu cử và vận hành website tuyên truyền phục vụ bầu cử.

Phần mềm phục vụ bầu cử do TTTH chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng theo đúng “đầu bài” của TTTH, đáp ứng các quy định về bầu cử của Quốc hội, hiện có 2 phần cơ bản gồm: Quản lý hồ sơ ứng cử viên ĐBQH và tổng hợp kết quả bỏ phiếu bầu ĐBQH. Quản lý hồ sơ ứng cử viên là phần mềm “hạt nhân”, được nhập liệu ngay từ lần hiệp thương đầu tiên, quản lý sơ yếu lý lịch của khoảng hơn 1.000 người ứng cử ĐBQH. Sau mỗi lần hiệp thương lại có sự cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn, theo đúng quy định, quy trình bầu cử. Bà Khánh cho biết: “Bắt đầu nhập liệu từ tháng 3-2011, phần mềm này còn lưu giữ chi tiết rất nhiều dữ liệu như số đơn vị bầu cử của từng tỉnh, số huyện của từng đơn vị bầu cử, số ứng cử viên của từng đơn vị bầu cử… Việc nhập liệu, rà soát được làm rất cẩn thận, nhất là danh sách ứng cử viên. Đơn cử như lần hiệp thương lần thứ ba mới đây, danh sách ứng cử viên đã được công bố sau khi đã triển khai rà soát tới 5 lần. Độ chính xác của dữ liệu cũng được HĐBC kiểm soát chặt chẽ”.

Quan trọng không kém phần mềm quản lý hồ sơ ứng cử viên là phần mềm tổng hợp kết quả bỏ phiếu. Trước đây, hoạt động kiểm phiếu được thực hiện thủ công (đếm bằng tay) từ các tổ bầu cử, sau đó chuyển số liệu lên đơn vị bầu cử và tiếp tục chuyển lên HĐBC để tổng hợp. Cách làm này rất vất vả để bảo đảm độ chính xác cao và kịp thời gian qui định. Nay, phần mềm tổng hợp kết quả kiểm phiếu được thiết kế 3 tầng, cụ thể, tổ bầu cử có thể mở cơ sở dữ liệu để nhập số liệu, sau đó, số liệu tự động tổng hợp vào các đơn vị bầu cử và tiếp tục tự động tổng hợp lên HĐBC. “Trên thực tế, hiện mới chỉ tổng hợp số liệu từ 183 đơn vị bầu cử lên HĐBC chứ chưa thể “thòng xuống” cấp tổ bầu cử. Dẫu sao, với phần mềm này, chúng ta có thể tổng hợp chính xác số phiếu của từng cá nhân ứng cử viên, số cử tri đi bầu cử, số cử tri hợp lệ/không hợp lệ, số cử tri vãng lai…”, bà Khánh cho biết thêm.

Một “bước tiến lớn” trong ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động bầu cử Quốc hội năm nay so với trước là sự vận hành của website chuyên về bầu cử tại địa chỉ http://baucukhoa13.quochoi.vn (khai trương từ 10-3-2011). Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Trưởng Tiểu ban Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đây là kênh chính thống để đăng tải thông tin hướng dẫn bầu cử và thông tin tuyên truyền hữu hiệu cho cuộc bầu cử. “Hơn thế, với website này, năm nay, vị thế của CNTT trong hoạt động bầu cử Quốc hội được nâng cao hơn hẳn”, bà Khánh phân tích và cho biết: “Lần bầu cử trước, HĐBC phải gửi đĩa CD tới 63 tỉnh, mỗi tỉnh phải gửi khoảng 10 đĩa để hướng dẫn về các hoạt động bầu cử, kèm theo các biểu mẫu cho các đơn vị in ra, tiết kiệm công soạn văn bản, bảo đảm độ chính xác, không bị tam sao thất bản. Năm nay, các văn bản, biểu mẫu được đăng tải luôn lên website để các đơn vị tải về, tự in ra, tiết kiệm được khá nhiều chi phí sản xuất và gửi CD mà vẫn bảo đảm độ chính xác”.

Một điểm đáng lưu ý là tổng số kinh phí dành cho ứng dụng CNTT vào hoạt động bầu cử ĐBQH năm nay, gồm cả thiết kế cơ sở dữ liệu, xây dựng phần mềm, website, nhập liệu… chỉ khoảng 600 triệu đồng. Con số này rất “khiêm tốn” nếu so sánh với công sức bỏ ra bằng phương pháp thủ công trước đấy. Chưa kể việc đầu tư cho CNTT đem lại hiệu quả vượt trội về tính kịp thời, chính xác của các số liệu, dữ liệu bầu cử và đáp ứng công tác thống kê, phân tích số liệu dưới nhiều góc độ khác nhau, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo cuộc bầu cử theo đúng luật định.

Có thể nói, khâu ứng dụng CNTT hiện đã sẵn sàng cả về kỹ thuật và nhân lực cho ngày hội toàn dân 22-5 tới.

Theo ICTnews

 


Ý kiến bạn đọc