Multimedia Đọc Báo in

Thưởng thức đặc sản Tây Ninh

17:18, 25/11/2018

Đến Tây Ninh, sau khi tham quan di tích, danh lam, thắng cảnh, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn mang đậm sắc thái văn hóa ẩm thực vùng Đông Nam bộ như: bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương…

Bánh canh Trảng Bàng được làm bằng loại gạo ngon, chất lượng tuyệt hảo như Nàng Thơm (Chợ Đào). Gạo được ngâm thật kỹ qua một đêm để hạt gạo đủ độ mềm cần thiết. Sau khi ngâm, gạo được đem xay nhuyễn, ép trong túi vải hoặc có thể quay li tâm để lấy tinh bột. Sau cùng, tinh bột được đem hấp chín trước khi ép thành những dải bánh canh trắng muốt.

Bánh canh Trảng Bàng.
                                                                             Bánh canh Trảng Bàng.

Phần làm nên hương vị chủ yếu của bánh canh là nước lèo. Nước lèo được nấu bằng xương heo, lòng heo với tôm khô lạt bỏ vào bọc, chỉ  lấy nước cốt. Nước lèo được nấu cho đến khi xương ra hết chất ngọt trong tủy mới thôi. Mỗi tô bánh canh khi được bày lên bàn cho thực khách thường trông rất bắt mắt. Trong tô bánh canh có thể có thịt khoanh giò xắt mỏng, nội tạng heo đủ bộ: tim, gan, cật, lá lách… Nước lèo bốc khói được tưới lên, sau đó cho hành lá xắt hột lựu vào cùng chút ít tiêu. Chanh với ớt hiểm xanh được đem ra kèm theo với tô bánh canh. Nước chấm là nước mắm nguyên chất thơm ngon hoặc muối ớt đã làm vừa ăn.

Dải bánh canh mềm dịu, thịt khoanh giò, thịt lòng heo ngọt, hơi beo béo, nước lèo đậm đà, thơm lừng, tiêu cay cay, ớt hiểm xanh the miệng, muối ớt cùng nước mắm mằn mặn sẽ khiến thực khách vô cùng khoái khẩu.      

Cùng với bánh canh, món bánh tráng phơi sương, kẹp thịt ba chỉ luộc với tép lóng lột vỏ cuốn bún, rau thơm chấm với tương ta hoặc nước mắm me, mắm nêm cũng sẽ làm bạn ngây ngất khi đến Tây Ninh.

Bánh tráng phơi sương cuốn tôm thịt.
Bánh tráng phơi sương cuốn tôm thịt.

Để có được bánh tráng ngon, chất lượng phải dùng gạo lúa mùa mới, vo sạch, ngâm kỹ và thay nước liên tục trong 2 ngày, rồi mang xay nhuyễn. Tráng bột sền sệt lên tấm vải căng kín miệng nồi hấp, đậy kín một phút là bánh chín. Khi tráng bột, người ta thêm chút muối cho có vị mặn. Bánh chín sẽ được trải ra phên, đem phơi nắng. Sau khi khô, bánh được đem nướng sơ qua lửa cho vừa phồng lên chín tới, tiếp theo canh khi trời gần sáng, sương bắt đầu rơi nhiều thì đem ra phơi sương. Bánh vừa thấm sương đủ mềm sẽ được xếp lại ngay, bỏ vào trong bao và lót lá chuối để giữ bánh luôn mềm.

Bánh tráng phơi sương dùng để cuốn với thịt heo luộc cùng với nhiều loại rau vườn, rau chợ như: diếp cá, tía tô, lá hẹ, đọt cóc, đọt xoài non, đinh lăng, lá săng máu, lá bứa, húng quế, húng lủi, đọt bằng lăng, húng chanh, xà lách... phối hợp nhau để có đủ năm vị: chát, ngọt, chua, béo và thơm. Thêm vài loại rau khác như dưa leo xắt dài, củ kiệu chua ngọt, giá sống, khế chua hay thơm, khóm xắt mỏng. Thịt ba rọi hoặc thịt đùi heo luộc chín được xắt lát mỏng. Người ăn đúng điệu phải dùng tay cuốn bánh tráng với rau mình thích cùng vài miếng thịt heo luộc, vài con tép lột vỏ, chấm với tương ta hoặc nước mắm me hoặc mắm nêm.

Vị ngon lạ miệng với đủ hương vị của món bánh tráng phơi sương sẽ khiến du khách không thể nào quên được xứ Tây Ninh.

Ngọc Xoàn


Ý kiến bạn đọc