Multimedia Đọc Báo in

Nếu không cẩn trọng sẽ dẫn đến tình trạng "nhờn" luật

17:18, 19/10/2018

Vừa qua, các báo đưa tin quy định buộc các chủ thuê bao điện thoại di động phải nộp ảnh chân dung, được Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bãi bỏ chỉ sau vài tháng thực hiện.

Đây là minh chứng mới nhất cho những quy định có thời gian tồn tại ngắn ngủi do nhiều nguyên nhân: thiếu tính khả thi, thiếu hiệu quả, thậm chí là vi hiến. Từ góc nhìn của một công dân luôn sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tôi cho rằng nếu tình trạng này không được cải thiện thì hệ quả tất yếu là một bộ phận người dân sẽ “nhờn” luật, không chịu thực hiện quy định của pháp luật vì cho rằng cứ đợi một thời gian đã, biết đâu lại hủy bỏ quy định thì sao?.

 Khách hàng đến
Khách hàng nhà mạng Viettel đang đăng ký thuê bao chính chủ. Ảnh: N.Hoa

Thời gian qua, người dùng điện thoại cố định đến di động, dùng một sim đến nhiều sim cứ phải đáp ứng những quy định thay đổi đến “chóng mặt”: từ đổi mã vùng đến thuê bao chính chủ, chụp ảnh chân dung, giờ là đổi đầu số kèm theo rút gọn. Dù đã thực hiện tất cả những thay đổi đó nhưng kết quả thì sao? Tin nhắn rác vẫn hoành hành, sim điện thoại mới vẫn được đội quân tiếp thị đông đảo mời gọi. Trước đó là việc đổi bằng lái xe mô tô từ bằng giấy sang bằng PET với giá tiền không hề nhỏ 135.000/lần. Sau khi rất đông người dân đã đổi xong thì lại có thông báo không bắt buộc phải đổi. Nhiều người tự dặn lòng lần sau cứ từ từ mà đợi, đừng vội vàng! Còn những ai chưa kịp đổi bằng lái xe thì vui sướng vì may quá!

Bản thân tôi đã hai lần tự chuốc bực mình chỉ vì hăng hái, nhanh nhẹn nhắc nhở người thân trong gia đình sớm thực hiện các quy định mới. Tôi đã không ngại đang mang thai, đi chụp hình để đổi bằng lái xe từ giấy sang vật liệu PET; mất trọn một buổi sáng mới có thể làm xong ba việc: đóng tiền, chụp hình, nộp hồ sơ. Cũng chính tôi đã nhắc nhở người nhà phải nhanh chóng đi đổi bằng lái xe. Hàng xóm của tôi gần như đã đi đổi hết. Mỗi người mất 135.000 đồng và ít nhất là mất một buổi sáng để làm một công việc mà sau đó chính cơ quan quản lý nhà nước lại thông báo là không cần thiết! Vừa mất tiền vừa mất thời gian để làm một việc mà chỉ vài tháng sau mới được biết là không cần thiết, thử hỏi có ai không tiếc tiền, tiếc thời gian và bực bội?.

Sự thay đổi liên tục các quy định liên quan đến số đông người dân chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy tầm nhìn hạn chế của cơ quan quản lý cũng như sự thờ ơ với những thiệt hại về tiền bạc, thời gian, công sức của người dân. Giá như ngay từ đầu, các cơ quan chức năng làm việc một cách thực sự kỹ càng, có trách nhiệm, có chiến lược dài hạn với tầm nhìn xa trông rộng về cách thức quản lý xã hội thì đâu phải nhanh chóng hủy bỏ quy định mà chính mình mới ban hành. Tại sao cứ phải vội vàng đề ra các quy định bắt người dân thực hiện để rồi chỉ một thời gian ngắn sau mới thấy quy định đó thể hiện những bất cập, khó khả thi và lại tuyên bố hủy bỏ?. Có phải chúng ta đang tự đặt ra khó khăn cho mình và tự động viên nhau vượt khó, nhưng đến khi thấy không vượt khó được thì… bỏ qua? Và liệu trong thời gian tới, khi thực tiễn bộc lộ thêm những bất cập mới, liệu sẽ còn có thêm các quy định bị "khai tử" chỉ sau thời gian "sống sót" ngắn ngủi nhưng đã kịp gây tốn kém, phiền phức cho người dân nữa không?

Lại Thị Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.