Multimedia Đọc Báo in

Không tự ý điều trị bệnh gút bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc

09:59, 17/08/2019

Bệnh gút là một dạng viêm khớp được hình thành do sự kết đọng của tinh thể muối uric trong khớp xương gây nên các triệu chứng điển hình là đau nhức, sưng đỏ, vận động khó khăn.

Vị trí thường gặp của bệnh này là bàn chân, bàn tay, mắt cá chân. Có khoảng 60% dân số gặp phải các triệu chứng bệnh gút song do không có kiến thức về bệnh nên nhiều người dễ dàng bỏ qua hoặc tự ý chữa trị bằng các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc. Việc này sẽ dẫn đến các biến chứng như suy thận, suy tuyến thượng thận, loét dạ dày tá tràng khiến việc điều trị bệnh càng thêm khó khăn.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk, có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khớp gối sưng nóng, đỏ, đau kèm sốt cao, suy thận. Nhiều bệnh nhân bị đau khớp gối đã chữa trị nhiều nơi, sử dụng nhiều phương pháp dân gian như đắp lá, uống thuốc nam, châm cứu… nhưng không hết đau mà ngày càng nặng hơn.

Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Sự (ở phường Thống Nhất, TX. Buôn Hồ) bị đau nhức các khớp gối do bệnh gút đã ba năm nay. Theo lời mách bảo của nhiều người, bà tự đi mua thuốc nam về vừa uống vừa đắp. Tuy nhiên, bệnh không thấy đỡ mà còn nặng thêm nên bà quyết định đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khám và điều trị bệnh gút. Đến nay, nhờ uống thuốc và tập luyện, sức khỏe của bà đã cải thiện rất nhiều.

Trường hợp khác là ông Phùng Cao Sơn (65 tuổi, ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) được chẩn đoán mắc bệnh gút từ 10 năm trước. Do chủ quan cho rằng bệnh này đơn giản, đau nhức khớp thông thường nên ông Sơn chỉ lấy các loại thuốc nam gia truyền về uống. Thời gian sau, cả hai bàn tay, chân của ông sưng to, tấy đỏ, không đi lại được kèm theo đi tiểu phân đen, nôn ra máu. Ông Sơn đã phải nhập viện vì biến chứng của bệnh gút gây tăng huyết áp, suy thận và chuyển sang tai biến.

Việc chẩn đoán và điều trị bệnh gút phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Việc chẩn đoán và điều trị bệnh gút phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Ngọc Liễu, Trưởng Khoa Lão (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết, các bài thuốc chữa đau nhức xương dân gian thường bị các lang y cho thêm thành phần corticoid với hàm lượng rất cao, có thể giúp giảm đau hiệu quả nhưng về lâu dài, thuốc này sẽ gây nhiều tác dụng phụ như: viêm loét dạ dày tá tràng, giữ muối và nước gây sưng phù, tích tụ mỡ ở mặt và bụng, teo cơ, da mỏng, suy tuyến thượng thận, loãng xương. Ngoài ra, việc đắp thuốc lá không đúng chuyên môn y học cổ truyền có thể gây bỏng và nhiễm trùng da. Nhiễm trùng da lan sâu sẽ gây ra nhiễm trùng khớp và nhiễm trùng huyết, thậm chí dẫn đến tử vong.

Người bệnh nên thường xuyên theo dõi cơ thể, khi thấy những biểu hiện đau bất thường ở các khớp xương cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, xét nghiệm và tìm ra nguyên nhân, cách điều trị hiệu quả nhất. Tránh việc tự ý điều trị khi chưa hiểu rõ về bệnh, càng không nên dùng thuốc một cách bừa bãi khi chưa có sự chẩn đoán của bác sĩ. Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách giảm cân từ từ giúp giảm nồng độ acid uric máu, đồng thời giảm bớt sự chịu đựng sức nặng của các khớp. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Hạn chế ăn nhiều đạm động vật, bia rượu; cần uống nhiều nước.

Bệnh gút là bệnh về khớp có thể điều trị ngay từ giai đoạn đầu tiên khi bệnh mới xuất hiện. Tuy nhiên, do người bệnh chủ quan hay lạm dụng thuốc giảm đau, chẩn đoán sai bệnh, không điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động… nên bệnh ngày càng tiến triển nặng hơn kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.