Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với bệnh liên cầu lợn

08:54, 15/08/2019

Bệnh liên cầu lợn là bệnh lây truyền trực tiếp từ lợn sang người do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên. Đây là một bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh chóng, người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết về bệnh khiến khả năng tự phòng bệnh của người dân chưa cao.

Ngày 7-8, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân Y Krông Ntơ (SN 1980, ở buôn Lạch Dương, xã Krông Nô, huyện Lắk) vào viện trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, có tử ban, hội chứng viêm màng não rõ rệt.

Từ những biểu hiện của bệnh cộng với thông tin của người nhà bệnh nhân cung cấp là bệnh nhân có làm thịt lợn chết và đã ăn thịt, lòng và tiết canh của con lợn đó, các bác sĩ đã tiến hành chọc dò dịch não tủy và điều trị theo hướng viêm màng não mủ, theo dõi nhiễm liên cầu lợn. Kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Streptococus sius – vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn.

Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hiện đã tỉnh táo và đang phục hồi sức khỏe rõ rệt. Dự kiến, trong vài ngày tới, nếu kết quả kiểm tra dịch não tủy lần tiếp theo ổn định bệnh nhân sẽ được xuất viện.

Chứng kiến chồng trải qua “cơn thập tử nhất sinh”, chị H’Blem Pang Ting, vợ của bệnh nhân không khỏi bàng hoàng: “Thời gian vừa qua, khu vực nhà tôi ở lợn bị bệnh chết rất nhiều, vì tiếc của nhiều nhà đều làm thịt lợn chết để chia nhau ăn. Ngày 3-8, chồng tôi có tham gia làm thịt con lợn của người nhà bị chết, rồi chia nhau mang về ăn. Sau khi ăn thịt lợn một ngày, chồng tôi bị sốt, đau đầu, nôn ói nên tự đi mua thuốc về uống. Một ngày sau đó, bệnh không khỏi mà nặng thêm nên mới đi lên BVĐK vùng Tây Nguyên để khám và điều trị. Lâu nay tôi không biết bệnh liên cầu lợn nên càng không rõ bệnh có nguy hiểm như thế nào, nhưng thời gian chăm chồng ở bệnh viện, tôi đã biết rõ. May mắn là chồng tôi đã được các bác sĩ cứu sống. Từ nay thì tôi sẽ không bao giờ để mọi người trong nhà ăn thịt lợn chết và ăn tiết canh, lòng heo chưa nấu chín nữa”.

Bệnh nhân Y Krông Ntơ đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BVĐK vùng Tây Nguyên.
Bệnh nhân Y Krông Ntơ đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BVĐK vùng Tây Nguyên.

Trước bệnh nhân Y Krông Ntơ vài tháng về trước, Khoa Truyền nhiễm, BVĐK vùng Tây Nguyên cũng đã tiếp nhận 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình nhập viện với các triệu chứng của bệnh liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh ít ngày. Các bác sĩ đã tiến hành chọc dò dịch não tủy và cho kết quả dương tính với liên cầu lợn. Sau một thời gian điều trị tích cực, cả 3 bệnh nhân đều ổn định sức khỏe và xuất viện.

Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, hằng năm tỷ lệ nhiễm bệnh liên cầu lợn trên địa bàn tỉnh chỉ xuất hiện rải rác, nhưng có những năm cũng lên tới 7 - 8 trường hợp mắc bệnh và 100% đường lây bệnh đều xuất phát từ lợn bị ốm, chết và sử dụng thức ăn chế biến từ lợn bị ốm, chết chưa được nấu chín, đặc biệt là tiết canh.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm thì bệnh liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm, gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Trong trường hợp bị nhiễm trùng huyết, bệnh nhân có thể phải điều trị đến 2 tháng với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Nếu bị viêm não, bệnh nhân thường phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Tuy nhiên, tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng, suy đa tạng và có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Với những trường hợp vào điều trị tại Khoa Truyền nhiễm trong thời gian qua, điều may mắn là bệnh nhân đều được đưa vào viện sớm, điều trị kháng sinh kịp thời nên những di chứng của bệnh liên cầu lợn để lại không quá nặng nề.

Cảnh báo của Cục Y tế dự phòng chỉ rõ, thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn trên người có thể vài giờ đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài nhưng không đi nhiều lần khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Đặc biệt, không ít người thường có quan niệm cho rằng lợn do gia đình nuôi chuồng hay thả rông là lợn sạch và có thể ăn tiết canh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế, bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn. Thông thường, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của lợn mà không gây bệnh cho con vật, do đó những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con có sức miễn dịch yếu. Với lợn nhiễm liên cầu khuẩn  (cả lợn lành mang mầm bệnh và lợn bệnh), trong máu của chúng và thịt sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Tỷ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60 - 90%. Điều đáng lưu ý là người từng nhiễm liên cầu lợn vẫn có thể mắc lại và hiện vẫn chưa có loại vắc xin phòng ngừa bệnh này.

Để phòng bệnh liên cầu lợn, bác sĩ Phạm Hồng Lâm khuyến cáo người dân tuyệt đối tránh giết mổ lợn ốm, chết; không ăn thịt lợn bệnh, thịt lợn sống, đặc biệt là tiết canh. Đồng thời người dân cần thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện “ăn chín uống sôi” vì khi thịt lợn và các chế phẩm từ lợn đã được nấu chín thì vi khuẩn liên cầu lợn cũng bị tiêu diệt, không còn khả năng gây bệnh.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.