Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh

08:53, 27/05/2019

Từ đầu tháng 5 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng. So với thời điểm này của những năm trước, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát mạnh.

Báo động trên toàn tỉnh

Những ngày này, Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên liên tục tiếp nhận những bệnh nhi mắc SXH nhập viện điều trị. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 5-7 ca, trong đó có nhiều ca có dấu hiệu bệnh nặng. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp cho biết: “Hiện tại khoa đang tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 trường hợp nội viện, trong đó nhiều trường hợp ở mức độ cảnh báo liên tục, có sốc, tái sốc. Bệnh SXH thường xảy ra quanh năm và cao điểm kéo dài khoảng 4-5 tháng. Tuy nhiên, so với những năm trước thì năm nay mùa dịch bắt đầu sớm hơn và số trẻ mắc bệnh cũng cao hơn”.  

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận gần 300 trường hợp mắc SXH. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, số ca bệnh gia tăng đột biến, trung bình một tuần toàn tỉnh ghi nhận từ 50 – 70 trường hợp mắc bệnh. Hiện bệnh SXH đã lan rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với 19 ổ dịch, 519 ca mắc, trong đó tập trung nhiều nhất tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M’gar, Krông Ana. Đơn cử như tại TP. Buôn Ma Thuột, đến thời điểm này, bệnh đã lan rộng tại 21/21 xã, phường và ghi nhận 5 ổ dịch, 129 ca bệnh, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại cơ sở y tế.
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại cơ sở y tế.

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh SXH đã bước vào trạng thái báo động trên toàn tỉnh. Điểm đặc biệt của năm nay là tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều có SXH và bệnh nhân tăng liên tục trong 3 tuần gần đây. Nguyên nhân cơ bản vẫn là liên quan đến mùa mưa, cách trữ nước và thói quen vệ sinh môi trường của người dân. Điều đáng nói, sau nhiều năm SXH không tăng, người dân bắt đầu có dấu hiệu chủ quan, và cứ khi nào chủ quan thì bệnh lại tăng. Bên cạnh đó nhiệt độ năm nay cũng tăng bất thường, đây là một trong những yếu tố gây nên tình trạng tăng đột biến các loại bệnh, trong đó có SXH. Bởi trên thực tế, bệnh SXH liên quan đến sinh trưởng của muỗi, mà nhiệt độ tăng kéo theo sinh trưởng của muỗi cũng tăng. Một nguyên nhân nữa là theo dự báo năm nay Đắk Lắk rơi vào chu kỳ của SXH.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát

Theo các chuyên gia y tế, bệnh SXH lây lan khá nhanh do muỗi là vật thể trung gian truyền bệnh. Nhiều người vẫn nghĩ muỗi truyền bệnh SXH Dengeue (hay còn gọi là muỗi vằn) chỉ sinh sản và gây bệnh sốt xuất huyết ở môi trường ao tù, nước đọng, nhưng thực tế, loại muỗi này có khả năng sinh sản cao và có tập tính đẻ ở nơi nước trong. Trung bình một vòng đời của muỗi Dengeue sống được từ 1 - 2 tháng, cứ sau mỗi lần hút máu no khoảng 3 ngày chúng lại đẻ trứng một lần. Do đó, để phòng chống SXH, điều kiện tiên quyết là phải loại trừ muỗi gây bệnh.

Được biết, để ứng phó với tình hình bệnh SXH đang diễn biến phức tạp, ngoài kế hoạch phòng chống dịch bệnh được phê duyệt từ đầu năm, UBND tỉnh cũng đã có dự báo cho tất cả các địa phương về khả năng bệnh SXH tăng và đề ra các phương án phòng chống. Đối với hoạt động chuyên môn, Sở Y tế đã chỉ đạo rất sát sao công tác phòng chống dịch bệnh này như: thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh của các huyện, thị xã, thành phố, trong đó có SXH, nhất là những vùng trọng điểm, nguy cơ cao; tập huấn công tác điều trị, giám sát dịch tễ; chuẩn bị khá đầy đủ hóa chất, máy móc, vật tư đảm bảo công tác phòng chống SXH.

Ngành Y tế kiểm tra dụng cụ chứa nước của người dân.
Ngành Y tế kiểm tra dụng cụ chứa nước của người dân.

Tuy nhiên, để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng: “Hiện đang bước vào mùa mưa, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống SXH đến tận thôn, buôn; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh; khởi động lại đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các khu dân cư. Cùng với đó, người dân cũng phải nâng cao ý thức, chủ động dọn vệ sinh môi trường, xử lý tốt dụng cụ phế thải, vũng nước quanh khu vực nhà ở”.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo: Các phụ huynh cần lưu ý, khi trẻ sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, đau nhức các cơ, đau đầu nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị kịp thời. Khi đã được chẩn đoán mắc SXH phải cho trẻ tái khám thường xuyên, uống nước nhiều. Nếu phát hiện các dấu hiệu nặng như mệt nhiều, vã mồ hôi, tiểu ít, đau bụng, buồn nôn… cần đưa trẻ nhập viện ngay.

 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc