Multimedia Đọc Báo in

Sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm

07:50, 26/05/2019

Các mặt hàng thực phẩm bao gồm thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả… luôn tiềm ẩn những nguy cơ chứa độc tố tự nhiên hoặc chất độc nhân tạo nguy hiểm cho người sử dụng. Mặt khác, trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, thực phẩm dễ bị ôi thiu, biến chất, nhiễm vi sinh gây hại khiến người dùng bị ngộ độc. Tuy các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm chỉ là buồn nôn, tiêu chảy, choáng váng, đau thắt vùng bụng... nhưng nếu không được sơ cứu đúng cách, kịp thời và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị sớm có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, sơ cứu khi bị ngộ độc tại nhà là bước rất quan trọng. Người bị ngộ độc thực phẩm thường có các biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở... tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc. Khi thấy chính mình hoặc người thân có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như đã kể trên, cần thực hiện các bước sơ cứu sau đây: 

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

- Gây nôn (nếu người bệnh không có biểu hiện nôn): Kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Khi tiến hành gây nôn cho người bệnh, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc cho người bệnh.

- Bù nước và điện giải: Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy cần tiến hành bù nước cho người bệnh bằng cách cho uống nhiều nước lọc, uống nước oresol hoặc uống nước gạo rang để bù nước cho người bệnh.

- Đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất: Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ có thể sơ cứu và nghỉ ngơi tại nhà. Trường hợp nặng không có biểu hiện thuyên giảm cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế cấp cứu và điều trị kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Minh Thông, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo: Cẩn trọng trong ăn uống là cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tốt nhất. Để đề phòng ngộ độc thực phẩm nên chọn thực phẩm tươi, sạch; thực hiện ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay (trong 2 giờ đầu), phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại; không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu; sử dụng nước sạch; rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến... và cần ngưng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, sơ cứu đúng cách khi có dấu hiệu ngộ độc sẽ giúp hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc