Multimedia Đọc Báo in

Thận trọng với thuốc gia truyền bán qua mạng xã hội

08:34, 15/10/2016

“Có bệnh thì vái tứ phương” là tâm lý chung của những người mắc bệnh lâu ngày với mong muốn được khỏi bệnh. Đó là lý do tại sao các bài thuốc gia truyền đặc trị bệnh lại tràn lan, công khai trên mạng như hiện nay…

Phương pháp chữa bệnh bằng thuốc đông y đòi hỏi người bệnh phải đến tận nơi để bắt mạch, thăm khám mới chẩn đoán được bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã trở thành nơi mua bán đủ các loại thuốc gia truyền đặc trị nhiều loại bệnh mà không cần bắt mạch, kê đơn. Tìm kiếm trên các trang mạng xã hội, không khó phát hiện hàng ngàn trang web kinh doanh thuốc đông y gia truyền, từ các bệnh về dạ dày, viêm xoang đến bệnh phụ khoa, giảm cân, mụn nhọt, hôi nách, hôi chân…. Các bài viết bán thuốc trên Facebook, Zalo… toàn những lời “có cánh”, hình ảnh chụp rất chuyên nghiệp, thậm chí còn sử dụng cả hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm. Không ít trang web còn “mạnh miệng” cam kết: “Hoàn lại 100% tiền nếu dùng hết 1 liệu trình mà bệnh không thuyên giảm”, “Giảm đau nhanh, triệu chứng đau sẽ hết sau khi sử dụng thuốc được khoảng 7 ngày”, “Thuốc được bào chế từ các loại thảo dược quý hiếm”… Tuy nhiên, khi tìm hiểu các địa chỉ trên mạng Internet thì không cung cấp bất cứ giấy tờ nào về tiêu chuẩn, thành phần của thuốc hay giấy phép kinh doanh. Hầu hết những người giữ “bí quyết” gia truyền không phải là bác sĩ hoặc không có chứng chỉ hành nghề đông y.

Hình ảnh quảng cáo “thần dược” đăng tải trên mạng xã hội Facebook.  Ảnh: V. Quỳnh
Hình ảnh quảng cáo “thần dược” đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: V. Quỳnh

Cho rằng thuốc bắc, thuốc đông y được bào chế từ các loại cỏ cây, hoa lá tự nhiên nên không ảnh hưởng tới sức khỏe, không chữa được bệnh thì cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe nên nhiều người vẫn thoải mái sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc bán trên mạng. Bác sĩ Tạ Văn Nhạn (Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) cảnh báo: “Thông thường thì đông dược có tác dụng khá chậm, nhưng nếu trộn thêm các chất tân dược như corticoid có rất nhiều tác dụng, lại hiệu quả nhanh chóng nên gây hiểu lầm cho người sử dụng là thuốc có hiệu quả. Tuy nhiên, những loại thuốc này nếu dùng lâu dài, quá liều sẽ rất nguy hiểm, nhẹ thì bị phù thận, suy thận, loãng xương, đau dạ dày, nặng thì xuất huyết tiêu hóa, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời”.

 Hiện nay, thuốc y học cổ truyền lưu hành trên thị trường một phần do Sở Y tế các tỉnh, thành phố cấp phép, còn chủ yếu do Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép. Việc bán tràn lan trên mạng các loại thuốc y học cổ truyền chưa có số đăng ký rất khó xử lý, cần sự vào cuộc của các ngành chức năng. Với người sử dụng, không nên quá tin tưởng vào những bài quảng cáo hay lời đồn thổi về những bài thuốc không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng mà có ngày “tiền mất, tật mang”. Khi bị bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, có giấy phép hành nghề, các bệnh viện chuyên khoa đông y để được bắt mạch, kê đơn, tránh tự ý mua thuốc ở các cơ sở không được cấp phép, mua thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc.        

Không ít loại thuốc đông y được bào chế từ những nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hoặc có những thành phần không tốt cho sức khỏe của một số người có đặc điểm riêng như dị ứng, bệnh mãn tính…

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.