Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác tuyên truyền phòng tránh ngộ độc do nấm độc

19:21, 25/07/2015

Nấm là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng và dễ dàng chế biến thành những món ngon, bổ dưỡng. Tuy nhiên, với một số người, do hiểu biết còn hạn chế, không phân biệt được nấm độc với nấm lành nên đã thu hái nhầm nấm độc về sử dụng gây nên nhiều vụ ngộ độc dẫn đến chết người.

Mặc dù trong những năm qua trên địa bàn Đắk Lắk chưa xảy ra trường hợp nào ngộ độc do ăn nấm độc song tỉnh ta cũng là địa phương có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc di cư, có tập quán thu hái và sử dụng nấm mọc tự nhiên để làm thực phẩm là nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc do nấm độc gây ra.

Dựa trên các vụ ngộ độc nấm thường xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên trong những năm qua, các chuyên gia phân tích: các vụ ngộ độc nấm thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm. Đây là giai đoạn thời tiết ẩm, mưa nhiều nên các loại nấm thường mọc nhiều trong rừng, rẫy và cả quanh nhà. Nấm có nhiều loại, mọc hoang dã mọi nơi và phát triển mạnh vào mùa mưa, trong đó, có loại chưa xác định được độc tố. Một số loại nấm độc lại có hình thức giống với nấm không độc, rất khó phân biệt. Vì vậy, nhiều năm nay, các tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên diễn ra ngộ độc nấm do ăn nấm độc như: Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình… Để phòng chống nguy cơ bị ngộ độc nấm cho người dân, thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng dân cư về sự nguy hiểm của các loại nấm độc, nâng cao ý thức cho người dân trong việc nhận biết được nấm độc, nấm không độc bằng cách in ấn các loại tờ rơi, pano áp phích có hình ảnh nhận dạng các loại nấm độc. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ trạm y tế huyện, xã, thôn, buôn các mối nguy về an toàn thực phẩm và “10 quy tắc vàng” trong an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, thời tiết đang là mùa mưa, là thời điểm các loại nấm sinh sôi, nảy nở, để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc, vừa qua Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn trong công tác phòng chống ngộ độc do nấm độc. Bên cạnh đó, cần thông tin, tuyên truyền, phòng chống ngộ độc do nấm độc đến tận hộ gia đình bằng mọi hình thức và bằng các phương tiện truyền thông trên địa bàn với cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc thiểu số; truyền thông qua các trưởng tộc, trưởng họ, trưởng thôn buôn, người có uy tín, già làng và cộng tác viên, tuyên truyền viên thôn buôn, đến người ở trên nương rẫy, ở sâu trong rừng, kết hợp tuyên truyền cho học sinh ở các trường học để mọi người dân tuyệt đối không thu hái, chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc liên quan  đến việc ăn nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời. Đặc biệt, cần chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu bệnh nhân ngộ độc nhằm giảm biến chứng, tử vong khi có ngộ độc nấm độc xảy ra.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có rất nhiều hộ gia đình trồng nấm cung cấp cho siêu thị, nhà hàng, chợ và các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ. Để người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm nấm chất lượng, an toàn, các hộ gia đình, các cơ sở trồng nấm cần chú trọng khâu đóng gói, bảo quản nấm; đồng thời phải ghi rõ ràng nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng để người tiêu dùng lựa chọn, tránh được tình trạng nấm không bảo đảm chất lượng, không được kiểm định bày bán tràn lan trên thị trường.

 Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.