Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần tránh lấy ráy tai

07:02, 05/07/2015
Tai là một trong năm giác quan quan trọng của cơ thể cần được giữ vệ sinh sạch sẽ. Khi tai bị bẩn và nhiễm khuẩn có thể gây ra hàng loạt các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, do tai có hình dạng và cấu tạo đặc biệt nên khi làm sạch cần hết sức thận trọng.

Đa phần nam giới khi đi cắt tóc ở tiệm thường có thói quen lấy ráy tai và coi đó như một dịch vụ thư giãn mà ít ai biết những nguy cơ tiềm ẩn sau dịch vụ này. Anh Viết Thái (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Tôi thường có thói quen cắt tóc và lấy ráy tai ở tiệm. Người ta đeo một chiếc đèn trên đầu, soi vào tai, dùng nhíp và móc đồng gắp ráy tai, rồi đưa chiếc que dài một đầu có gắn bông vào ngoáy, khi được ngoáy tiếng kêu rột roạt rất đã ngứa. Có người còn cẩn thận chăm sóc tai cho khách bằng cách bẻ nhỏ lưỡi dao lam, đưa vào trong cạo sạch lông tai”. Nhiều người quan niệm không sợ bẩn ở tiệm cắt tóc vì “ai đi cắt tóc xong về chẳng tắm gội ngay”. Chính vì tâm lý dễ dãi đó nên vệ sinh tại các tiệm càng bị buông lỏng.

Với biểu hiện tai nghe kém, chảy mủ vàng, có mùi hôi và đau nhức nửa đầu, anh Nguyễn Văn Phước (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) tới khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được bác sĩ kết luận bị viêm tai giữa mạn tính. Anh cho biết: “Gần đây tôi đi cắt tóc và lấy ráy tai ngoài tiệm. Người thợ đã dùng nhíp và móc đồng lấy ráy, do ráy sâu trong tai nên khi lấy ráy xong tôi có cảm giác đau ở tai phải. Sau 1 tuần đau không thuyên giảm và có nhiều biểu hiện không bình thường nên tôi đã đi khám chuyên khoa ở bệnh viện”. Hành động lấy ráy tai tưởng chừng đơn giản, vô hại này lại tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm, nhẹ thì giảm thính lực, nặng hơn là viêm xương chũm, viêm màng não… Chia sẻ về điều này, bác sĩ Đinh Hoàng Anh (Khoa khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Do dụng cụ không được sát trùng nên việc lấy ráy tai ở tiệm cắt tóc làm gia tăng nguy cơ nấm tai, lây chéo các bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, dụng cụ mà các tiệm cắt tóc sử dụng thường sắc nhọn có thể đâm vào thành ống tai gây rách, trầy xước. Thợ cắt tóc cũng không biết chức năng bảo vệ của hệ thống lông tơ trong ống tai nên đã thoải mái cạo nhẵn, tạo điều kiện cho nước, bụi, vi khuẩn, côn trùng xâm nhập vào ống tai gây viêm nhiễm”.

Nhiều người cho rằng, ráy tai là nguyên nhân gây ngứa tai nên thường xuyên ngoáy tai và tìm mọi cách để móc, lấy ráy ra. Người ta có thể ngoáy tai mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi thứ có sẵn như chìa khóa, tăm xỉa răng, móc sắt sắc, có người nuôi móng tay dài để ngoáy tai cho tiện. Theo bác sĩ Đinh Hoàng Anh, ráy tai là chất được tiết ra do các tuyến dưới da phần ngoài của ống tai. Ráy tai có chức năng bảo vệ, chống nhiễm khuẩn, ngăn bụi bẩn và giúp tai không bị sốc trước các âm thanh quá lớn. Tai có cơ chế làm sạch tự nhiên, ráy tai sẽ di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài, tự khô rồi bong ra mà không cần tác động của con người. Trường hợp bị ngứa hoặc nước vào tai sau khi tắm, dùng tăm bông sạch xoay nhẹ nhàng bên ngoài ống tai, tránh dùng vật sắt sắc nhọn vì có thể làm xước ống tai gây viêm nhiễm.

Để bảo vệ đôi tai, chống lại sự xâm nhập từ vi khuẩn bên ngoài, cần thận trọng khi làm sạch đôi tai, không nên lạm dụng việc lấy ráy tai. Dụng cụ phải bảo đảm vệ sinh để tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm. Khi thấy ngứa nhiều, ù tai, chảy dịch bất thường nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để điều trị kịp thời, không tự mua thuốc uống hoặc dùng thuốc nhỏ vào tai.  

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc