Multimedia Đọc Báo in

Nhiều hoạt động can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả

14:08, 30/06/2015

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị phơi nhiễm HIV từ mẹ. Nhân Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2015, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh về việc thực hiện công tác này trên địa bàn.

* Bác sĩ có thể cho biết các hoạt động của Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2015 trên địa bàn tỉnh?

Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2015 tập trung đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu của thai kỳ, các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; cung cấp điều trị ARV bằng phác đồ 3 thuốc, theo dõi, hướng dẫn tư vấn các biện pháp an toàn cho trẻ trước, trong và sau sinh. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương. Cùng với đó, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cả các cấp lãnh đạo về lợi ích của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, huy động sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhằm làm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do phơi nhiễm từ mẹ…

Tư vấn cách điều trị dự phòng lây nhiễm cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh.
Tư vấn cách điều trị dự phòng lây nhiễm cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

* Thông qua các hoạt động này, tỉnh ta đã có bao nhiêu trường hợp phụ nữ nhiễm HIV mang thai được hỗ trợ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con kịp thời?

Tại Dak Lak, năm 2014 Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh ghi nhận được 21 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Trong đó có 18 trường hợp đang điều trị ARV bằng phác đồ 3 thuốc từ khi họ chưa mang thai. Còn 3 trường hợp khi chuyển dạ làm xét nghiệm thì phát hiện HIV dương tính ở mẹ. Với 3 trường hợp này thì có 2 trường hợp được áp dụng điều trị ARV, một trường hợp không kịp điều trị ARV cho mẹ vì thời gian chuyển dạ ngắn mà sau đó chỉ điều trị cho con. Tuy nhiên, cả 21 trường hợp trẻ sinh ra đều không bị phơi nhiễm HIV từ mẹ. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Trung tâm cũng ghi nhận 3 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong đó 2 trường hợp được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, một trường hợp mẹ không được điều trị mà chỉ điều trị cho con. Và kết quả xét nghiệm ở cả 3 trẻ sinh ra đều âm tính với HIV.

  Thực tế, nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV không điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV sang cho thai nhi từ 25%-40%, nếu tiếp cận và điều trị sớm thì tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 5%. Trong khi đó, số trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cao nhất nằm ở giai đoạn bà mẹ chuyển dạ, chiếm khoảng 20%, còn trẻ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ chỉ chiếm từ 5%-10%. Với những trường hợp phát hiện muộn lúc chuyển dạ thì các cơ sở y tế khó áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV (theo quy định, thời gian chuyển dạ dưới 4 tiếng thì không sử dụng thuốc điều trị cho mẹ), hoặc trường hợp có thể áp dụng điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con thì hiệu quả cũng không cao. Bởi, thực tế ở tỉnh ta trong năm 2012 và 2013 đã ghi nhận 2 trường hợp mẹ mang thai nhiễm HIV khi chuyển dạ đến sinh tại cơ sở y tế tư nhân cũng không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho cả mẹ và con nên 2 trẻ sinh ra đều bị nhiễm HIV. Do đó, chúng tôi rất mong muốn, phụ nữ mang thai nhiễm HIV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt.

* Để hỗ trợ ngày càng nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, theo bác sĩ những khó khăn Trung tâm gặp phải là gì?

Chủ trương ban đầu của Bộ Y tế là triển khai Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đến tận tuyến xã chứ không phải dừng lại ở tuyến huyện như hiện nay. Tức là phải triển khai sàng lọc ban đầu ngay tại tuyến xã, từ lúc các chị em khám thai lần đầu tiên. Nếu trường hợp nào nghi ngờ dương tính với HIV thì sẽ  được chuyển lên Trung tâm để kiểm tra kết luận. Khi có kết quả dương tính thì phải tư vấn để họ tiếp cận được với dịch vụ và tham gia điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Nhưng nếu chỉ triển khai tới tuyến huyện thì chắc chắn chúng ta sẽ bỏ sót một số lượng lớn đối tượng, bởi những người ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện đi lại sẽ khó tiếp cận với Chương trình. Tuy nhiên, cái khó hiện nay trong công tác phòng chống HIV lây truyền từ mẹ sang con là lực lượng cán bộ y tế tham gia công tác này còn mỏng nên việc quản lý số phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở cơ sở chưa chặt chẽ; nhận thức của một số phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV mẹ con còn thấp nên nhiều trường hợp phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ dẫn đến khó khăn trong việc tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản làm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV khó tiếp cận các dịch vụ. Bên cạnh đó, một khó khăn lớn đó là thiếu kinh phí khiến cho Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa được triển khai đến vùng sâu vùng xa nên vẫn còn không ít đối tượng chưa được tiếp cận và sử dụng dịch vụ.

* Trước tình hình này, ngành đã có hướng khắc phục vấn đề như thế nào, thưa bác sĩ?

Trong bối cảnh các nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bị cắt giảm mạnh, mới đây Trung tâm đã tham mưu cho Sở Y tế xây dựng Đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV tại tỉnh Dak Lak giai đoạn 2015-2020. Đề án này đã được trình UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét trong thời gian tới. Khi đề án được phê duyệt sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng phòng, chống HIV/AIDS nói chung và Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống HIV/AIDS, từ đó tạo điều kiện cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV tự nguyện đến cơ sở y tế để được xét nghiệm, tư vấn và sử dụng dịch vụ sớm nhất có thể.

*Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.