Multimedia Đọc Báo in

Chật vật những lớp học "ké"

11:18, 29/11/2015

Trong những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành, tổ chức xã hội, nhiều trường học được xây dựng, đáp ứng việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm trường phải học nhờ, học tạm… ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Trường Mầm non Hoa Pơ Lang (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) có 6 phân hiệu, phân bố tại các thôn, buôn đóng chân trên địa bàn, với 400 học sinh. Trong đó, có 2 phân hiệu thôn Cao Bằng và thôn Thạch Lũ phải học nhờ tại nhà văn hóa và trường tiểu học.

Phòng học lớp 5 tuổi tại phân hiệu mầm non thôn Cao Bằng.
Phòng học lớp 5 tuổi tại phân hiệu mầm non thôn Cao Bằng.

Thôn Cao Bằng có 206 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào Tày, Nùng từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn vào sinh sống, lập nghiệp. Theo thống kê, năm học 2015-2016, thôn Cao Bằng có 48 cháu trong độ tuổi mầm non. Do thiếu trường lớp, việc học của các cháu cũng như công tác giảng dạy của giáo viên nơi đây luôn đối mặt với khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Chưa đầy 50 cháu, nhưng điểm trường thôn Cao Bằng phải mượn 2 địa điểm để các cháu học tập, cụ thể,  cháu từ 3-4 tuổi học tại nhà văn hóa, 20 cháu 5 tuổi học tại phòng giáo vụ Trường Tiểu học Cù Chính Lan. Hội trường thôn Cao Bằng rộng khoảng 60 m2, nhưng diện tích để lớp mầm non thôn sử dụng chỉ chừng 40 m2, do phần diện tích còn lại là chỗ để bàn ghế tổ chức hội họp. Diện tích chật hẹp, 29 con người cả cô và trò hằng ngày phải chịu cảnh chật chội, nóng bức, thêm vào đó lại thiếu ánh sáng trầm trọng do nhà văn hóa không có cửa sổ. Mỗi lần có gió lớn hoặc vào thời điểm mùa lạnh, buộc phải đóng cửa chính lại, phòng học trở nên ngột ngạt, tối tăm. Cô Bào Thị Ngọc Ánh chia sẻ, các gia đình và học sinh tại thôn Cao Bằng rất hiếu học, bất kể thời tiết bất lợi thế nào, hằng ngày phụ huynh đều đưa các cháu đến lớp đầy đủ, đúng giờ. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất thiếu thốn, việc học của các cháu mầm non nơi đây bị ảnh hưởng ít nhiều. Ngoài một số dụng cụ học tập thông thường, 12 bàn học và mỗi cháu 1 ghế ngồi, còn lại thiếu thốn đủ đường như giáo cụ trực quan, khu vui chơi tổ chức hoạt động ngoài trời. Mặc dù nhà văn hóa thôn có khoảng sân rất rộng, nhưng không thể tổ chức hoạt động vui chơi cho các cháu vì nền sân đất, lại không có mái che. Bất tiện nhất, mỗi lần thôn tổ chức hội họp, tọa đàm nhân các ngày lễ trong năm hoặc khi có đoàn các cấp đến làm việc như tiếp xúc cử tri… thì cả cô lẫn trò lại dắt díu nhau xuống phòng giáo vụ của lớp 5 tuổi hoặc phải nghỉ rồi học bù vào ngày khác.

Chỉ vỏn vẹn khoảng 12 m2, nhưng phòng giáo vụ của Trường Tiểu học Cù Chính Lan lại là nơi học tập, sinh hoạt của 20 cháu lớp 5 tuổi, do đó, việc bố trí bàn ghế phục vụ học tập rất khó khăn. Để các cháu có bàn học vẽ, viết, giáo viên phải sử dụng loại bàn xếp mi ni, học xong cũng không có chỗ cất bàn, phải dựng vào tường, rất nguy hiểm cho các cháu. Đối với lứa tuổi mầm non, việc dạy học và tổ chức các hoạt động về thể chất luôn luôn phải song hành, do vậy sẽ rất khó để giáo viên và học sinh xoay xở trong một không gian chật chội thế này. Cô Lê Thị Hường bộc bạch, nhiều khi muốn dạy các cháu nhảy múa, ca hát cũng không có chỗ trống, phải chờ đến giờ ra chơi của trường tiểu học mới tập được. Trong khi đó, có rất nhiều phụ huynh mong muốn phân hiệu mở lớp bán trú dân nuôi để đỡ mất thời gian đưa đón. Thế nhưng, trong điều kiện chỉ có phòng học 12 m2 như hiện nay, chỗ ngồi cho các cháu đã khó chứ nói gì đến chỗ để các cháu ăn, ngủ bữa trưa. Chị Trương Thị Tống, một phụ huynh có con học tại phân hiệu trường thôn Cao Bằng cho hay, chị cũng như nhiều phụ huynh khác mong muốn phân hiệu trường mở lớp bán trú, chứ hằng ngày mấy lần đưa đón con rất mất thời gian. Nhất là vào thời điểm mùa thu hoạch lúa, cà phê, mới làm được lúc lại phải tất bật về đón con, lúc nông nhàn muốn đi làm thuê xa cũng khó vì phải đón con đúng giờ.

Cách trung tâm xã chừng 8 cây số, phân hiệu mầm non Thạch Lũ cũng cùng chung cảnh “ăn nhờ ở đậu” tại Trường Tiểu học Thạch Lũ. May mắn hơn phân hiệu thôn Cao Bằng, phân hiệu Thạch Lũ có phòng học rộng rãi, thoáng mát. Tuy nhiên, do học nhờ nên cũng rất thiệt thòi cho các em, bởi các em không được vui chơi thoải mái như lứa tuổi mầm non mà phải “giữ im lặng” cho tới khi có tiếng trống báo giờ ra chơi của học sinh tiểu học. Cô Hoàng Thị Hương Giang tâm sự, được học nhờ tại điểm trường tiểu học, với không gian rộng rãi cũng khá thuận lợi cho việc giảng dạy, học tập của cô và các cháu. Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy ái ngại, bởi sợ có lúc có nơi, do tính hiếu động các cháu không giữ trật tự, ảnh hưởng đến việc học của các anh chị tiểu học.

Liên quan đến thực trạng này, cô Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lang cho biết, Ban giám hiệu nhà trường đã có văn bản kiến nghị với các cấp, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ kinh phí để xây dựng phòng học cho phân hiệu thôn Cao Bằng. Tuy nhiên, do không có kinh phí, nên phân hiệu này vẫn phải học nhờ, học ké. Trước mắt, Trường cũng chỉ biết động viên các giáo viên vì sự nghiệp trồng người, cố gắng bám trường bám lớp, phụ huynh chia sẻ với khó khăn của địa phương cho con em đến lớp đầy đủ.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.