Multimedia Đọc Báo in

Tạo định lượng khi dạy học tích hợp trong môn Ngữ văn

08:16, 31/10/2015

Do liên quan đến kiến thức của nhiều môn khoa học xã hội khác trong quá trình dạy - học, những năm gần đây nhiều giáo viên môn Ngữ văn ở các địa phương áp dụng phương pháp dạy học tích hợp đối với môn học này.

Với đặc thù về nội dung chương trình, trong quá trình thực hiện bài học môn Ngữ văn, việc huy động kiến thức ở các môn khoa học khác như lịch sử, địa lý, văn hóa, giáo dục công dân, kiến trúc, điện ảnh, kỹ năng sống… được coi là những nguồn kiến thức hỗ trợ cho việc khai thác các nội dung tác phẩm văn học như hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, bối cảnh lịch sử cho sự phát triển của thời kỳ, giai đoạn văn học, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức thông qua bài học… Trên thực tế, từ khi áp dụng phương pháp dạy học tích hợp trong môn Ngữ văn nói riêng đã ít nhiều bộc lộ những điểm cần rút kinh nghiệm. Cụ thể là, việc tích hợp kiến thức liên môn chưa thực sự được giáo viên đưa vào kế hoạch giảng dạy, đưa vào giáo án với những nội dung hoạt động cụ thể. Phần kiến thức tích hợp nhiều khi chưa khoa học, chưa được ấn định rõ vào mục nào, phần nào của bài học. Hơn nữa, mức độ, dung lượng kiến thức tích hợp chưa rõ ràng, có bài quá ngắn, có bài lại quá dài vì thế ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo đảm nội dung và thời gian của tiết học. Nhiều giáo viên sa đà vào tích hợp môn học quá dài nên xa vấn đề của môn học chính, hình ảnh, tri thức tích hợp đôi khi chưa rõ ràng, chính xác nên hiệu quả tích hợp không cao. Nội dung tích hợp giáo dục đôi khi chưa hẳn phù hợp với mục tiêu bài học đặt ra.

Từ những hạn chế trên đây, để việc áp dụng phương pháp dạy học tích hợp trong bộ môn Ngữ văn được hiệu quả, xin đưa ra một số ý kiến như sau: cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết việc áp dụng phương pháp tích hợp trong từng tiết học trong cả kỳ và năm học. Từ đó, cụ thể hóa trong mục tiêu bài học, từng hoạt động, từng phần nội dung của bài học. Trước khi soạn bài, căn cứ vào nội dung, cách thức tổ chức và mục tiêu bài học, giáo viên cần xem xét và lựa chọn kỹ lưỡng nên tích hợp với môn học nào, tri thức nào và tích hợp giáo dục về nội dung gì liên quan đến đời sống xã hội mà người học cần hình thành sau khi học bài học. Việc huy động tri thức liên môn trong giờ học Ngữ văn để giải quyết những đơn vị kiến thức trọng tâm cần bảo đảm sự chính xác, khoa học và tiêu biểu. Điều đó đòi hỏi người dạy và người học phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng phần kiến thức ở các môn học khác, chuẩn bị chu đáo về tri thức liên môn để tránh tình trạng nêu ra nội dung kiến thức chưa chính xác, không phù hợp. Bên cạnh đó, trong quá trình tích hợp tại giờ học, cần chú ý dung lượng thời gian dành cho hoạt động này. Vì tích hợp chỉ là hoạt động phối hợp để giúp người dạy và người học giải quyết môn học chính nên cần định lượng mức độ, thời gian tích hợp. Tránh tình trạng đang dạy-học Ngữ văn lại quá sa đà vào lịch sử, địa lí hoặc văn hóa xã hội. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ bài học. Mặt khác, cần khéo léo và linh hoạt trong khi tích hợp. Bởi lẽ nếu kết hợp tri thức không nhịp nhàng sẽ dẫn đến tình trạng chắp nối một cách “vô duyên”, rời rạc trong bài học. Hơn nữa, việc giáo dục tích hợp ở từng phần nội dung và cuối bài học cần phát huy vai trò tích cực chủ động của học sinh, nhờ đó, các em sẽ nhận thấy bài học dành cho bản thân mình một cách tự nhiên, không ép buộc, khiên cưỡng.

Việc sử dụng hình ảnh, phim tư liệu trong quá trình tích hợp cần sáng rõ, phong phú và có sự chọn lọc. Tránh việc trình chiếu lên những hình ảnh quá mờ, không tiêu biểu, xa vấn đề đang cần giải quyết trong môn học Ngữ văn. Một vấn đề quan trọng nữa là, áp dụng phương pháp dạy- học tích hợp cần gắn với thực tiễn. Cụ thể là giáo viên nên chọn những tri thức môn học gắn liền với lịch sử, địa lí, văn hóa, xã hội tại địa phương, nơi học sinh đã biết và gắn liền với cuộc sống thường nhật của các em. Việc giáo dục tích hợp cũng nên gắn bài học từ môn học với giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng của học sinh với địa bàn sinh sống của mình. Có như vậy, từ môn học, các em sẽ cảm thấy vấn đề được nêu ra trong bài học hết sức gần gũi và bổ ích.

Dạy - học tích hợp là hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Nếu người dạy và người học thực hiện một cách khoa học, đúng hướng và phù hợp thì chắc chắn, mỗi bài học môn Ngữ văn sẽ trở nên sinh động, phong phú và mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Nguyễn Thế Lượng
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.