Multimedia Đọc Báo in

Cô học trò khuyết tật đầy nghị lực

08:17, 31/10/2015

Nhìn Trần Ngọc Hạnh (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Trường Chinh, huyện Ea H’leo) nhỏ nhắn, xinh xắn, hoạt bát, lúc nào cũng tươi cười, luôn hăng hái tham gia phát biểu xây dựng bài trong lớp, không ai nghĩ rằng em là một học sinh khuyết tật với đôi chân không thể đi lại được.

Hạnh là con út trong một gia đình làm nông ở thôn 3, xã Ea Sol (huyện Ea H’leo). Khi em được 16 tháng tuổi, phát hiện Hạnh bị yếu chân không thể tự đứng vững được, gia đình đưa đi khám thì được chẩn đoán em bị khuyết tật hệ vận động, rất khó chữa trị. Ông Trần Minh Tâm, bố Hạnh tâm sự: “Mặc dù không thể tự đi lại được, nhưng khi đến 5 tuổi Hạnh luôn đòi được đi học như những bạn bè cùng trang lứa. Thấy con đòi đi học, chúng tôi đành chịu khó thay phiên nhau đưa cháu đến trường, đến lớp. May mắn là ở lớp, ở trường, Hạnh luôn được bạn bè, thầy cô giúp đỡ. Điều khiến cho chúng tôi vui mừng đó là năm nào Hạnh cũng là học sinh giỏi. Ở nhà, bản thân cháu cũng có nhiều cố gắng di chuyển, phụ giúp bố mẹ được việc nấu cơm …”. Đều đặn suốt 12 năm qua, ông Tâm luôn là “đôi chân” của con gái trên chặng đường đến lớp, cứ mỗi buổi sáng dù mưa hay nắng, ông đều cõng con đến tận phòng học rồi mới về đi làm.

12 năm học, Hạnh đến trường trên lưng của cha.
12 năm học, Hạnh đến trường trên lưng của cha.

Thật đáng nể khi suốt 11 năm học vừa qua, Hạnh luôn là học sinh giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu quý. Cô Bùi Thị Uyên Anh, giáo viên chủ nhiệm của Hạnh cho hay: “Dù sinh ra không được may mắn lành lặn như các bạn nhưng Hạnh rất có nghị lực, luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập”. Không chỉ học giỏi, Hạnh còn sẵn lòng giúp đỡ bạn bè về bài vở. Em Vũ Thị Sang, một người bạn cùng lớp bày tỏ: “Trong lớp, Hạnh học rất giỏi; luôn sẵn sàng giúp đỡ những bạn khác trong lớp về việc làm bài tập. Mỗi lần hỏi Hạnh bài vở, thấy bạn ấy hướng dẫn nhiệt tình và dễ hiểu, nên giờ đây có bài tập nào khó, nội dung gì chưa hiểu, em đều hỏi bạn”.

Nói về bí quyết trong học tập của mình, Hạnh cười bảo chẳng có bí quyết gì ngoài việc chăm học. Hạnh tâm sự: “Hằng ngày đến lớp, vào những lúc các bạn học sinh trong toàn trường đứng thành hàng trước sân trường tập thể dục, múa dân vũ, em một mình ngồi trên ghế đá nhìn các bạn hoạt động mà lòng cảm thấy tủi thân, thiệt thòi vô cùng. Những lúc ấy em luôn ước cho trên đời này có phép màu, em sẽ ước cho đôi chân của mình có thể đi lại, chạy nhảy được như bao bạn khác. Thế rồi em lại tự an ủi mình, đôi chân không thể đi lại được, nhưng em được đi học như các bạn, xung quanh ai cũng tốt với em, luôn quan tâm, chăm sóc em. Nghĩ vậy lòng em lại cảm thấy ấm áp và vơi đi nỗi buồn, tự nhủ phải học thật giỏi để sau này có thể tự lo cho cuộc sống của mình”.

Thầy Trần Đình Thao, Bí thư Đoàn Trường THPT Trường Chinh nhận xét: “Trong trường, em Hạnh là một học sinh giỏi, là một đoàn viên ưu tú, luôn là tấm gương để các học sinh khác noi theo. Đoàn trường luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để bản thân Hạnh được tham gia sinh hoạt Đoàn, vẫn giao cho em những việc nằm trong tầm tay để em phát huy khả năng của bản thân …”

Trường Ngữ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.