Multimedia Đọc Báo in

34 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người

14:57, 12/11/2010
Nhắc đến thầy Y Yơ Niê, giáo viên Trường Tiểu học Cư Pui 1 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh các xã vùng III, huyện Krông Bông đều rất quen tên, bởi với lòng yêu nghề, anh đã khắc phục mọi khó khăn, đem con chữ đến với trẻ em vùng sâu…
 
 
Mới 53 tuổi đời Y Yơ đã có 34 tuổi nghề. Để gắn bó với nghề chừng ấy năm, anh đã vượt qua không ít gian nan. Là một trong số ít người dân tộc thiểu số tại chỗ của huyện học hết cấp II, nên sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng (năm 1975), anh được cử đi học bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cấp tốc và về dạy học ở các xã vùng sâu. Đến với nghề giáo chỉ tình cờ, nhưng càng làm, thầy càng yêu nghề, thương những học sinh nghèo vùng sâu “khát chữ”. Những năm đầu sau giải phóng, các xã vùng sâu huyện Krông Bông còn nghèo lắm, đường sá đi lại hết sức khó khăn, để từ nhà (xã Cư Pui) đến được các xã Cư Drăm, Yang Mao dạy học, anh phải đi bộ băng qua đường rừng vài chục cây số, và mỗi năm chỉ về nhà vài ba lần vào dịp hè hoặc lễ, tết. Học trò của anh đa số là trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhà rất nghèo, bố mẹ lo cái ăn còn chưa đủ nói gì đến chuyện học hành của con. Vì vậy, sĩ số học sinh trong lớp anh cứ luôn trồi, sụt theo từng mùa rẫy. Để vận động học sinh đến lớp, anh không quản ngại băng rừng, lội suối tới từng nhà, thuyết phục cha mẹ học sinh cho con đến trường. Theo Y Yơ Niê, dạy học ở vùng sâu đã khó, dạy học sinh đồng bào dân tộc thiểu số lại càng khó hơn, vì hầu hết các em đều tiếp thu bài chậm, lại học theo kiểu “nhảy cóc” do nghỉ nhiều nên việc ghi chép, nắm bắt kiến thức thiếu liên tục.  Để giúp các em tiếp thu bài mới, bên cạnh việc giảng bài song song bằng tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ, anh còn tự làm các dụng cụ học tập để minh họa cho các từ khóa,  sưu tầm tranh ảnh về các địa danh, con vật, nhân vật lịch sử… giảng cho học sinh dễ hiểu, nhớ lâu. Hiện anh đã qua chương trình chuẩn hóa kiến thức 3 năm ở Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak.
Thấy Y Tơ Niê trong giờ dạy toán cho học sinh lớp 1A Trường Tiểu học Cư Pui 1 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông).
Thầy Y Tơ Niê trong giờ dạy toán cho học sinh lớp 1A Trường Tiểu học Cư Pui 1 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông).
 
Sau 7 năm dạy học ở xã Yang Mao và Cư Drăm, đến năm 1983, thầy giáo Y Yơ được chuyển về dạy tại Cư Pui. Trường Cư Pui 1 (nơi anh đang dạy) có 3 điểm trường, hầu hết phòng học đều đã xuống cấp, dụng cụ học tập rất thiếu thốn. Riêng điểm trường ở buôn Phung vào mùa mưa các phòng học đều bị dột, mưa to phải nghỉ học. Toàn trường có 28 giáo viên trực tiếp giảng dạy nhưng chỉ có 4 giáo viên người đồng bào dân tộc tại chỗ, kể cả thầy hiệu trưởng. Trong khi đó, học sinh hầu hết là dân tộc thiểu số nên việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Không những vậy, do cuộc sống quá khó khăn, nhận thức của phụ huynh còn hạn chế nên học xong tiểu học nhiều em phải nghỉ để phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Chưa kể, có những em nghỉ học sớm để lập gia đình. Vì vậy, điều trăn trở lớn nhất đối với Y Yơ Niê là làm sao để cơ sở vật chất của các trường vùng sâu khang trang hơn, đường sá đi lại thuận tiện, cuộc sống của đồng bào bớt khó khăn, thiếu thốn để cùng chăm lo việc học hành cho các em.
 
Những cống hiến suốt 34 năm cho sự nghiệp giáo dục của thầy giáo Y Yơ đã được các cấp, ngành ghi nhận thông qua việc tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, nhưng niềm vui lớn nhất đối với anh là đã góp phần dìu dắt nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, có ích cho xã hội.
Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc