Multimedia Đọc Báo in

Bẫy thú - mối nguy của động vật rừng

08:02, 13/10/2017

Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn với diện tích rộng, hệ động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loại động vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao nên những tay săn trộm tìm đủ mọi cách để săn, bắn thú rừng...

Những cạm bẫy giữa rừng già

Một ngày cuối tháng 9, giữa cánh rừng khộp mùa mưa xanh um tùm, chúng tôi theo chân nhân viên kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Đắk Na (VQG Yok Đôn) để mục sở thị những chiếc bẫy thú mà lâm tặc lén lút đặt trong rừng. Cây lá tươi tốt, ken đặc lối đi, những kiểm lâm trong đoàn chăm chú dõi nhìn dưới đất để tìm kiếm những chiếc bẫy thú - đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây. Đi qua một cánh rừng thưa với những trảng cỏ tranh dày đặc, chúng tôi đến một khu có nhiều cây gỗ lớn bên dưới là những bụi le. Trạm trưởng Vũ Thanh Sơn dặn kiểm lâm trong đoàn phải kiểm tra thật kỹ vì đây là khu vực có khả năng bọn săn trộm đặt bẫy. Anh giải thích, khu vực rừng này có nhiều bụi le, vào mùa mưa măng mọc rất nhiều nên các loài thú thường xuyên đến tìm thức ăn.

Kiểm lâm viên Y Tuấn Kpă chăm chú nhìn xuống những lối mòn, bất chợt anh đưa tay cản người tôi lại không cho bước tiếp. “Có bẫy phía trước, cẩn thận!”. Tôi căng mắt tìm kiếm phía trước lối mòn nhưng chẳng nhìn thấy chiếc bẫy nào, chỉ thấy lớp lá mục màu xám dày đặc trên lối mòn. Anh Y Tuấn ngồi xuống rồi cẩn thận dùng que nhẹ nhàng gạt lớp lá mục phía trên, một chiếc vòng bằng dây cáp hiện ra, đầu dây cáp còn lại được buộc chặt vào một cây le đã chặt ngọn to bằng cổ tay đã được kéo cong. Tôi giật mình nghĩ: “Cái bẫy nằm ngay trước mắt, dù đã được kiểm lâm chỉ cho mà mình còn không thấy, huống hồ những con thú hoang trong rừng thì làm sao biết được bẫy mà tránh”.

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn trong một đợt tuần tra bảo vệ rừng.
Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn trong một đợt tuần tra bảo vệ rừng.

Anh Y Tuấn dùng một cành cây dài đè xuống chỗ chiếc vòng dây cáp. Một tiếng động phát ra, cây le bật lên kéo tung sợi dây cáp, đầu thòng thắt chặt vào kéo cành cây anh Y Tuấn đang cầm trên tay treo ngược lên. Đây là một chiếc bẫy dây cáp, loại bẫy có giá rẻ nhưng hiệu quả rất cao.  “Bẫy tuy đơn giản nhưng nó có thể bắt được từ thú nhỏ cho đến thú lớn, kể cả voi nếu vướng phải cũng mất mạng như chơi”, anh Sơn cho hay.

Nỗi ám ảnh của muông thú

Chỉ chưa đầy 30 phút, tại khu vực này nhân viên kiểm lâm đã tìm thấy bốn chiếc bẫy thú, nâng số bẫy thú trong vòng 9 tháng đầu năm 2017 mà Trạm Kiểm lâm Đắk Na đã phát hiện và tháo gỡ lên hơn 400 cái bẫy. Khi di chuyển ra khỏi khu vực rừng le được khoảng vài chục mét, đoàn bắt gặp một trảng cỏ lớn, trên đó có nhiều bãi cỏ bị quần nát - dấu vết của một đàn voi mới kiếm ăn ở đây, ai cũng thở phào vì nếu đàn voi không may đi vào những khu vực đặt bẫy chúng tôi vừa phát hiện thì khó tránh khỏi bị những chiếc bẫy đó gây hại. Đầu năm 2015, tại VQG Yok Đôn có một voi rừng 4 tuổi bị vướng bẫy khiến vòi bị sứt, đế một chân trước bị mất. Sau khi được Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đưa về cứu hộ, con voi phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật để lấy sợi dây cáp bị đứt ăn sâu vào tận xương. Đến nay, dù được điều trị chăm sóc chu đáo nhưng bàn chân của chú voi vẫn chưa khỏi hẳn.

Ở VQG Yok Đôn, các đối tượng săn trộm thú rừng sử dụng rất nhiều loại bẫy như: bẫy dây, bẫy sập, bẫy cạp... Bất kể thú rừng lớn hay nhỏ, không may vướng phải các loại bẫy này, nặng thì mất mạng, may mắn thoát ra thì cũng bị thương tật. Tại Trạm Kiểm lâm Đắk Na, mới đây một con heo của Trạm vào rừng kiếm ăn không may bị dính bẫy, dù may mắn thoát ra được nhưng vẫn bị bẫy cắt mất một đoạn chân trước. Những kiểm lâm còn cho biết không ít lần họ bắt gặp một số con thú bị dính bẫy chết khô vì những kẻ săn trộm quên không lấy.

Ông Phan Thanh Hòa, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn cho biết, việc các đối tượng săn trộm xâm nhập vào rừng săn, bắn thú trái phép đã diễn ra nhiều năm nay, mặc dù kiểm lâm Vườn đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn, tuy nhiên do Vườn rộng, địa hình bằng phẳng nên các đối tượng săn trộm vẫn “lọt” được vào rừng để đặt bẫy hay dùng súng săn bắn động vật rừng trái phép. Để hạn chế nguy cơ bẫy thú gây hại cho động vật rừng, kiểm lâm Vườn thường xuyên tuần tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng, trong đó, tập trung tìm kiếm và tháo gỡ bẫy thú là nhiệm vụ luôn được ưu tiên. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, kiểm lâm Vườn đã phát hiện và tháo gỡ hơn 1.000 bẫy thú các loại, 21 khẩu súng tự chế.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.