Multimedia Đọc Báo in

Hệ lụy từ những kỳ vọng quá mức của cha mẹ

18:02, 27/12/2016
Với tâm lý mong muốn con cái luôn phải giỏi giang, không thua kém ai; con cái phải là niềm hãnh diện, tự hào, không ít bậc cha mẹ đang tự xây dựng và đặt ra những kỳ vọng quá mức về con mình, từ đó tìm cách nhồi nhét kiến thức cho con, luôn đặt ra những yêu cầu quá sức với khả năng của con, để con phải đối diện với áp lực thi cử từ quá sớm và đối diện với cảm xúc được - mất, ăn - thua tiêu cực trong cuộc sống…

Dễ thấy, không ít những đứa trẻ đã phải học chữ, học ngoại ngữ từ khi còn ở lứa tuổi mầm non. Nhiều học sinh mới lớp 1, lớp 2 sau khi rời trường học đã phải “chạy sô” tới các điểm học thêm để học tiếng Anh, toán tư duy, luyện viết chữ đẹp; những ngày cuối tuần còn tham dự các lớp năng khiếu: vẽ, múa… Có trẻ học nhiều đến nỗi ngay cả cha mẹ cũng mệt phờ với việc đưa đón con hằng ngày. Việc học ở trường, học thêm nhà, học trong các câu lạc bộ... đã trở thành lịch học hằng ngày mà trẻ phải làm. Tâm lý muốn con trở thành số một của các bậc phụ huynh đang trở thành mảnh đất “màu mỡ” để bệnh thành tích trong giáo dục tiếp diễn và các dịch vụ học thêm tràn lan trong xã hội, nhất là ở các thành phố lớn. Cha mẹ có thể nhịn ăn, nhịn mặc nhưng luôn sẵn sàng đầu tư cho con học thêm đủ các môn. Tại nhiều cuộc họp phụ huynh, thay vì cha mẹ nên quan tâm đến việc học hành của con khuyết thiếu ở đâu để bổ sung, bù đắp hoặc tìm hiểu xem tính cách và những biểu hiện lệch lạc của con ở trường để kịp thời điều chỉnh thì đến họp chỉ để hỏi xem phải đóng những khoản nào, học thêm cô nào, thầy nào cho con. Bên cạnh đó, ở nhiều gia đình hiện nay, cha mẹ vì quá ham công việc, bỏ bê hoặc giao phó việc học cho con, thậm chí là “khoán trắng” con cho nhà trường quản lý mà không quan tâm tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em nên trẻ dễ sao nhãng, bỏ bê trong học tập và hơn thế nữa dễ sa ngã vào các tệ nạn của xã hội.

Những lo âu chuyện thi cử, áp lực phải ngồi vào bàn học, phải nhồi nhét kiến thức đã làm cho không ít học sinh rơi vào trạng thái luôn căng thẳng, trầm cảm và tự kỷ. Những áp lực như: phải học thật giỏi để không thua kém bạn bè; phải đi học thêm nhiều nơi, nhiều môn; phải thi đỗ vào trường này, trường nọ… khiến trẻ dễ sa vào ích kỷ, ganh đua mà không biết lắng nghe, chia sẻ.

Đừng để những áp lực và kỳ vọng quá mức của cha mẹ làm mất đi tuổi thơ, quyền được vui chơi và làm giảm ý nghĩa giáo dục con trẻ. Gia đình và nhất là cha mẹ cần đưa ra những định hướng, những mong muốn phù hợp với bản thân từng đứa trẻ, cha mẹ cần học cách lắng nghe và quan tâm hơn nữa đến tâm tư nguyện vọng của các em, cũng không nên quá kỳ vọng quá mức vào các em, đừng biến các em trở thành những “con gà công nghiệp”!

Hà Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.