Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác phòng cháy chữa cháy
Một trong bốn nguyên tắc của hoạt động phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đó là: “Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”.
Khi đám cháy mới xảy ra thường là cháy nhỏ, nếu được phát hiện kịp thời và có lực lượng, phương tiện tại chỗ thì việc dập tắt đám cháy rất nhanh và đơn giản; nhưng nếu không phát hiện và không tổ chức chữa cháy kịp thời thì đám cháy sẽ phát triển lớn, việc tổ chức chữa cháy rất khó khăn, phức tạp và dẫn đến thiệt hại rất nghiêm trọng. Thực tiễn đã chứng minh, công tác PCCC có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Một buổi diễn tập PCCC. Ảnh: T.L |
Những điều trên khẳng định rằng: Không ai khác ngoài người đứng đầu cơ sở giữ vai trò quan trọng trong công tác PCCC của cơ sở mình; bởi người đứng đầu cơ sở là người quyết định mọi hoạt động PCCC của cơ sở mình, cụ thể: từ việc ra quyết định thành lập lực lượng PCCC cơ sở; ban hành nội quy, quy định về PCCC ở cơ sở; đầu tư trang bị các phương tiện PCCC cần thiết; tổ chức duy trì hoạt động PCCC ở cơ sở… tất cả các vấn đề này đều do người đứng đầu cơ sở quyết định. Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu cơ sở quan tâm đến công tác PCCC thì ở đó công tác PCCC mới thật sự tốt.
Để bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở cũng như thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về công tác PCCC, mong rằng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh… thực hiện tốt các công tác sau:
1. Ban hành nội quy, quy định an toàn PCCC chung cho cơ quan, doanh nghiệp và từng bộ phận phòng, ban, đơn vị cơ sở…
2. Ra quyết định thành lập đội PCCC cơ sở; hướng dẫn, chỉ đạo và duy trì hoạt động của lực lượng này.
3. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc nhắc nhở cán bộ, nhân viên chấp hành, thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về PCCC; khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về bảo đảm an toàn PCCC.
4. Trang bị phương tiện PCCC; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy; tổ chức chữa cháy và giải quyết khắc phục hậu quả cháy.
5. Hằng năm phải có dự trù kinh phí cho hoạt động PCCC của cơ sở, tập trung vào các công việc như: tuyên truyền huấn luyện, lập và thực tập phương án PCCC; trang bị các phương tiện PCCC; chế độ, chính sách để duy trì có hiệu quả Đội PCCC của cơ sở.
6. Phối hợp với các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về PCCC; không gây nguy hiểm cháy, nổ đối với các hộ gia đình và cơ quan, tổ chức lân cận;
7. Tổ chức thống kê, báo cáo theo định kỳ về tình hình PCCC; thông báo kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH trực tiếp quản lý những thay đổi lớn có liên quan đến bảo đảm an toàn về PCCC của cơ quan, tổ chức mình theo số điện thoại: 114 hoặc 0500.3852439. Bên cạnh đó phải tham gia các hoạt động PCCC khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trần Tuấn Thanh
(Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh)
Ý kiến bạn đọc