Multimedia Đọc Báo in

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Cư M’gar: Ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội

20:24, 18/02/2012

Những năm qua, với việc đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, đời sống văn hóa tinh thần của người dân Cư M’gar đã được nâng lên đáng kể; phong trào đã ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự xã hội của địa phương.

Huyện Cư M’gar hiện có 178/184 thôn, buôn, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước và đã được UBND huyện ra quyết định phê duyệt, trong đó, 176/184 đơn vị đã làm lễ ra mắt. Song song với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa luôn được Ban chỉ đạo huyện quan tâm. Trong năm 2011 đã có 149/149 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; 100% gia đình cán Bộ CNVC đều đăng ký xây dựng gia đình văn hóa tại nơi cư trú, các cơ quan, đơn vị sau khi đăng ký đã thực hiện tốt Quy chế văn hóa công sở, xây dựng môi trường làm việc xanh – sạch – đẹp, an toàn, sinh hoạt có nề nếp, lao động có kỷ luật, sáng tạo và đạt năng suất cao, có tiến bộ trong công tác và học tập, nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, quan hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân. Phong trào đã góp phần giáo dục, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ viên chức lao động, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Cũng thông qua phong trào, các câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa, văn nghệ… được hình thành như CLB đàn tính hát then của xã Cư M’gar; Phụ nữ và pháp luật của thị trấn Quảng Phú; Không sinh con thứ 3; Giúp nhau làm kinh tế của xã Quảng Tiến… Ở các thôn, buôn , tổ dân phố cũng đã xây dựng được các đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, thường xuyên tổ chức biểu diễn, giao lưu trong các ngày lễ, tết… góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân địa phương. 
Trò chơi giã gaojtais hiện một cách sinh động quá y\trình sản xuất nông nghiệp là một phần không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của các buôn làng
Trò chơi giã gạo tái hiện một cách sinh động quá trình sản xuất nông nghiệp là một phần không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của các buôn làng
Ông A Mang, Phó trưởng phòng Văn hóa – Thể thao – Du lịch huyện Cư M’gar cho biết: ngoài những kết quả đạt được trong việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng thôn buôn văn hóa, thì công tác bảo tồn văn hóa dân tộc và phát huy các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số được đánh giá là điểm sáng của phong trào. Một số buôn đồng bào dân tộc được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng lại bến nước, cấp chiêng, phục hồi và tổ chức các lễ hội truyền thống như Lễ cúng bến nước của người Êđê ở Buôn Sút M’grư (Cư Suê),  Lễ ăn cơm mới của người Xê Đăng buôn Kon H’ring (Ea H’đing) và thôn Thái (Ea Kuếh), Lễ hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng thôn 3 (Cư M’gar)… Bên cạnh đó, các lớp dạy đánh chiêng, dệt thổ cẩm, kể khan, sử dụng nhạc cụ dân tộc cũng được địa phương quan tâm duy trì. Cư M’gar cũng được đánh giá là địa phương làm tốt công tác bảo tồn, lưu giữ được nhiều bộ chiêng đồng, ché túc, ché tang quý hiếm. Đơn cử như xã Ea Tul hiện còn lưu giữ 46 bộ chiêng đồng, hơn 200 loại nhạc cụ, 5 nghệ nhân biết kể khan, trên 100 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, 150 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm, và nhiều nghệ nhân biết đan lát, hát kưt, hát Ay rei… 
 
Để đạt được những kết quả trên, công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng phong trào cũng được huyện chú trọng, cũng bằng nhiều hình thức: qua hệ thống phát thanh của huyện và các xã, thị trấn; các buổi họp dân, sinh hoạt câu lạc bộ, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, cấp phát tạp chí xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các cụm pa nô, băng rôn, khẩu hiệu, cùng với việc thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng của tỉnh tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, buôn vui chơi – buôn ca hát, lễ hội truyền thống,… nhằm giới thiệu, tôn vinh nét văn hóa đặc trưng của các loại hình nghệ thuật dân gian trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, qua đó tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa nghệ thuật của nhân dân trên địa bàn huyện. 
 
Có thể khẳng định, với việc thực hiện lồng ghép nhiều phong trào, chương trình, các cuộc vận động, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Cư M’gar đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, nhận thức pháp luật và ý thức đoàn kết cộng đồng của nhân dân ngày càng được nâng cao.
 
Yên Ninh
 

Ý kiến bạn đọc