Multimedia Đọc Báo in

Liên kết "4 nhà" để nâng cao hiệu quả chuỗi sản xuất

06:50, 26/10/2020

Thực hiện việc liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp), Hội Nông dân huyện Ea Kar đã triển khai nhiều hoạt động khuyến khích, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giúp nâng cao giá trị, ổn định đầu ra cho nông sản.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Kar Phạm Đình Cảnh, việc liên kết “4 nhà” là một trong những giải pháp quan trọng trong tổ chức mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Do đó, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho hội viên về việc liên kết sản xuất, đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển quy mô kinh tế hộ, kinh tế tập thể và đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân xã Cư Ni liên kết sản xuất lúa với Công ty TNHH MTV Cà phê 721.
Nông dân xã Cư Ni liên kết sản xuất lúa với Công ty TNHH MTV Cà phê 721.

Thông qua liên kết "4 nhà", Hội Nông dân huyện đã triển khai có hiệu quả phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào đã có sức lan tỏa rộng khắp, động viên hội viên nông dân đổi mới tư duy, khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh dịch vụ ở nông thôn.

Điển hình như hộ ông Lê Văn Lập (thôn 9, xã Ea Sar) phát triển kinh tế từ mô hình cây ăn trái (vải, bơ) với tổng diện tích 12 ha. Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm trái cây của gia đình, ông Lập đã mở đại lý phân phối sản phẩm quả vải tại chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hội viên, nông dân tại địa phương với khối lượng 500 tấn vải/năm. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông có được lợi nhuận trung bình 2,5 tỷ đồng/năm. Hay như hộ ông Nguyễn Quốc Trị (thôn Đoàn Kết 2, xã Ea Tíh) cũng đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho 6 ha cây ăn trái và trang trại chăn nuôi với quy mô 150 con heo nái; đem lại nguồn thu nhập 2 tỷ đồng/năm.

 
"Năm 2019, Liên minh các HTX huyện Ea Kar đã khai trương cửa hàng giới thiệu những sản phẩm chung cho các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Đây là nơi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài khu vực, đồng thời tạo cơ hội xúc tiến xây dựng và ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài để hình thành các chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm nông nghiệp ở địa phương".
 
Ông Phạm Đình Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Kar

Cùng với việc vận động hội viên, nông dân tích cực lao động, thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ nông dân… Hội Nông dân huyện Ea Kar đã tạo điều kiện thuận lợi giúp hơn 11.600 lượt hội viên, nông dân được vay vốn với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng để đầu tư, phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ nông dân đã sử dụng có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Đình Dậu (thôn 7, xã Ea Păl), năm 2014 được xét vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 15 triệu đồng để chăm sóc vườn cà phê và đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Năm 2016, sau khi đã thoát nghèo ông Dậu mạnh dạn ký hợp đồng với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 714 trồng 4 ha lúa, liên kết với doanh nghiệp Viên Sơn (tỉnh Lâm Đồng) trồng khoai lang xuất khẩu. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình ông đã sở hữu 1,8 ha cà phê, tiêu và 6 ha lúa, khoai lang... lợi nhuận mỗi năm đạt 1 tỷ đồng. Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, ông cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với hội viên nông dân về sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu sinh học nhằm bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ, Hội cũng chú trọng phát triển các mô hình liên kết “4 nhà” nhằm kết nối doanh nghiệp với HTX và nông dân để tạo ra những sản phẩm an toàn và có giá trị cao. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình liên kết của HTX Nông nghiệp 714 với 587 hộ dân trồng lúa thuộc xã Ea Păl, Ea Ô với tổng diện tích 400 ha. HTX cũng hợp tác với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Công ty Cổ phần giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương… để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân. Thông qua việc liên kết với HTX, nông dân được tư vấn, hỗ trợ cung cấp giống, phân bón, vật tư sản xuất dịch vụ; hỗ trợ kỹ thuật để đạt năng suất cao. Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân sản xuất lúa cho năng suất và chất lượng cao hơn khi chưa liên kết (từ 5 - 6 tấn/ha tăng lên 8 - 10 tấn/ha) giúp thu nhập của người dân được tăng lên.

Gia đình chị Bế Thị Xanh (thôn 4, xã Ea Sar ) liên kết nuôi heo rừng lai với HTX Sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi heo rừng Ea Sar.
Gia đình chị Bế Thị Xanh (thôn 4, xã Ea Sar ) liên kết nuôi heo rừng lai với HTX Sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi heo rừng Ea Sar.

Theo đánh giá của ông Phạm Đình Cảnh, thông qua việc liên kết “4 nhà”, nông dân trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất nông sản tập trung quy mô lớn có thương hiệu hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo đầu ra ổn định cho một số loại sản phẩm nông nghiệp như: Gạo 721 của Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (xã Cư Ni); Trà túi lọc Xuân Sang của HTX Hợp Nhất (xã Ea Ô); heo rừng lai của HTX Sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi heo rừng Ea Sar; cam, quýt đạt tiêu chuẩn VietGAP của HTX Thành Công (xã Cư Elang)…

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.