Multimedia Đọc Báo in

Bàn cách nâng tầm giá trị nông sản

11:27, 25/10/2020

Nhiều loại nông sản của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng luôn nằm trong top dẫn đầu về sản lượng trên thế giới, nhưng lại đạt không cao về giá trị.

Để thay đổi thực trạng đó, đã đến lúc người nông dân cần quan tâm nhiều hơn đến khâu tạo ra giá trị gia tăng để nâng tầm nông sản, tạo thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Dưới đây là những đề xuất giải pháp cho vấn đề này của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

°Tiến sĩ Phan Việt Hà, Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên:

Trồng cà phê, cần chọn giống có chất lượng và quan tâm đến khâu thu hoạch

Chất lượng sản phẩm cà phê phụ thuộc vào các yếu tố như khâu chọn giống, điều kiện khí hậu, kỹ thuật chăm sóc, liên kết sản xuất… Riêng về giống, trước đây, nhiều nông dân cứ hướng đến chọn những giống có quả to, năng suất cao. Tuy nhiên, chúng ta lại quên mất là cần phải sản xuất cà phê có chất lượng cao, thơm ngon, chống chịu tốt với các loại sâu bệnh hại cà phê theo yêu cầu mà thị trường hiện đang cần. Do đó, tôi nghĩ rất cần thiết phải có sự thay đổi tích cực về tư duy trong việc chọn giống cũng như chủ động tìm tòi, quan tâm đến chương trình cải tạo giống theo hướng chú ý những tiêu chuẩn thị trường cần để chọn loại giống phù hợp.

Một hạn chế nữa trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương là ở khâu thu hái, tỷ lệ hái quả xanh vẫn còn cao. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm cà phê và lý giải vì sao chúng ta chưa mang đến cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao. Vấn đề là có kế hoạch thu hoạch phù hợp để cây khỏe mạnh, quả chín dài ngày trên cây giúp gia tăng chất lượng hạt. Tôi nghĩ, nếu giải quyết được khâu hái chín đạt trên 90% trong toàn ngành thì chất lượng và danh tiếng cà phê Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều.

Hiện Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên đang nghiên cứu để tiến tới đề nghị công nhận, đưa vào sử dụng giống chín muộn TR14 và TR15 trong thời gian sớm nhất. Khác với giống cà phê cũ, loại giống mới này sẽ cho thu hái trễ hơn, vào khoảng tháng 1 và tháng 2. Chính việc thu hái muộn giúp quả ở trên cây lâu và tạo ra hạt cà phê chất lượng tốt hơn. Với giống này, kỳ vọng có thể tạo ra sản phẩm cà phê đặc sản.

°Ông Nguyễn Khắc Toàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam:

Chú trọng dẫn dắt, xây dựng các chi hội nông dân “5 tự và 5 cùng”

Trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay là ở khâu thị trường tiêu thụ. Phần lớn nông sản đầu ra không ổn định, chưa có chỗ đứng trên thị trường và chưa cân đối trong quy luật cung - cầu. Có những thời điểm, nông sản do nông dân làm ra đạt sản lượng cao nhưng lại không được giá. Chính vì vậy, công tác định hướng sản xuất đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới thì nông sản nước ngoài tràn vào Việt Nam với số lượng, mẫu mã, chất lượng phong phú và có cả những sản phẩm giá thành có tính cạnh tranh rất cao. Đó là những vấn đề đặt ra với ngành nông nghiệp hiện nay.

Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt, tạo ra một thế đứng xứng tầm, thời gian đến các ngành chức năng, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam sẽ tham gia vào quá trình tổ chức sản xuất, định hướng cho nông dân sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, làm sao để chính người nông dân thấy được lợi ích trong quá trình tham gia sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân sẽ đẩy mạnh vận động hội viên liên kết lại với nhau, tạo ra mối quan hệ khăng khít, gắn bó trong quá trình sản xuất. Với vai trò của mình, chúng tôi đang chỉ đạo, dẫn dắt xây dựng các chi hội nông dân “5 tự và 5 cùng”. "5 tự" đó là: tự giác, tự nguyện, tự quản, tự chủ và tự chịu trách nhiệm. “5 cùng” là cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Đồng thời, Hội cũng sẽ chú trọng tuyên tuyền, khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao để tăng chất lượng, giá trị cho nông sản.

°Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk:

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản và khuyến khích các nông hộ tham gia những tổ chức kinh tế hợp tác

Nhiều năm nay, Đắk Lắk luôn chú trọng thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản thông qua việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thông thoáng để các nhà đầu tư lựa chọn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất nhằm xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, có quy mô lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Mới đây nhất, tỉnh cũng đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cụm chuyên trồng cây công nghiệp kết hợp chế biến nông sản với diện tích 300 ha. Một khi có càng nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực chế biến thì giá nông sản sẽ được tăng lên rất nhiều, qua đó khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của địa phương, gia tăng giá trị nông sản.

Riêng đối với sản xuất quy mô nông hộ, rất nhiều nông dân còn hạn chế trong quy trình canh tác, kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi và thiếu thông tin về thị trường để định hướng sản xuất cho phù hợp. Do đó, để giải bài toán này, cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan khuyến nông các cấp để người nông dân tiếp cận thông tin về giống, quy trình canh tác tiên tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Thêm vào đó, bà con nên tìm hiểu và tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác. Đây là đầu mối đảm nhận tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ mà hộ nông dân riêng lẻ không thể làm được hoặc làm nhưng không hiệu quả. Tôi cho rằng, bà con nông dân cần có hiểu biết đúng về vấn đề này để tham gia liên kết và mang lại hiệu quả kinh tế cho chính mình, góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Thuận Nguyễn - Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.