Multimedia Đọc Báo in

Huy động khó, ngân hàng "đua" tăng lãi suất

10:12, 18/04/2019
Trong bối cảnh thu hút tiền nhàn rỗi khó khăn, sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng ngày càng khốc liệt, thời gian gần đây hàng loạt ngân hàng đã sử dụng công cụ lãi suất để đẩy mạnh huy động vốn.
 
Khảo sát biểu niêm yết lãi suất của một số ngân hàng áp dụng cho thời điểm hiện tại, mức lãi suất của nhiều ngân hàng đã vượt quá 8%/năm. Trong đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Theo biểu lãi suất của SHB, mức lãi suất huy động tiết kiệm trả lãi cuối kỳ bằng VNĐ kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 13 tháng của khách hàng cá nhân áp dụng toàn hệ thống SHB dao động từ 6,8% đến 8,5% tùy thuộc vào số tiền và kỳ hạn gửi. Đáng chú ý, mức lãi suất huy động tại SHB có thể lên đến 8,9% (áp dụng đối với các khoản tiền gửi từ ngày 15-3 đến ngày 6-6-2019) nếu khách hàng gửi theo hình thức chứng chỉ tiền gửi (một loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm, do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng). 
 
Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đang áp dụng mức lãi suất huy động khá cao. Theo biểu lãi suất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất áp dụng cho khách hàng cá nhân tham gia mở mới sản phẩm “Tiền gửi Online” được áp dụng lãi suất 8,45% với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Nếu khách hàng gửi tiền trong những thời điểm có khuyến mãi còn được cộng thêm 0,3% lãi suất.
 
Khách hàng giao dịch tại SHB Chi nhánh Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại SHB Chi nhánh Đắk Lắk.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng nhiều mức lãi suất hấp dẫn, tương ứng với từng kỳ hạn gửi. Với kỳ hạn từ 1 tháng và 5 tháng, Viet Capital Bank có mức lãi suất 5,4%/năm, nhưng với kỳ hạn 6 tháng lãi suất ghi nhận là 7,4%/năm, 7 tháng lãi suất 7,8%/năm và 12 tháng lãi suất tăng đến 8,0%/năm. Các khoản tiết kiệm kỳ hạn trên 1 năm, Viet Capital Bank áp dụng lãi suất 8,3% và mức lãi suất trần lên đến 8,6% áp dụng khi khách hàng gửi kỳ hạn 24 tháng trở lên.  Đặc biệt, lãi suất được hưởng khi gửi tiết kiệm online cao hơn tiết kiệm thông thường đến 0,1%/năm.
 
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, tính đến hết tháng 3-2019, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ tăng 0,87% (tăng 379 tỷ đồng) so với đầu năm. Trong đó, tổng  huy động vốn trên 12 tháng hiện có khoảng 16.370 tỷ đồng, chiếm 37,1% nguồn vốn huy động.
 
 

Một ngân hàng khác cũng đang áp dụng lãi suất trên 8%/năm là Ngân hàng TMCP Việt Á. Khi gửi tại ngân hàng này, nếu khách hàng sử dụng hình thức gửi trực tuyến, kỳ hạn từ 18 tháng sẽ được hưởng lãi suất 8,4%/năm.

Bên cạnh tăng mạnh lãi suất niêm yết, nhiều ngân hàng còn áp dụng lãi suất cao thông qua các chương trình riêng biệt để thu hút khách hàng. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang áp dụng lãi suất chương trình “Tri ân khách hàng” (được áp dụng từ ngày 1-4-2019), với lãi suất cao nhất là 8,3% cho những khoản tiền gửi có kỳ hạn 24 tháng trở lên. Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) với Chương trình “30.000 quà tặng khách hàng gửi tiết kiệm" có tổng giá trị gần 5 tỷ đồng. Số tiền gửi càng nhiều, giá trị quà tặng càng cao và VIB không giới hạn số lần tặng quà trên mỗi khách hàng.
 
Trong khi đó, nhóm các ngân hàng Nhà nước tiếp tục xếp dưới, với mức lãi suất lần lượt là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là 7%/năm, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 6,9%/năm, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 6,8%/năm.
 
Theo đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước trên địa bàn tỉnh, sở dĩ các ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên mức cao và có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng cho thấy bên cạnh nhu cầu huy động vốn tăng mạnh để cân đối cung cầu nội bộ ngân hàng, đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn còn thể hiện sự khó khăn trong công tác huy động vốn. Với tình hình thị trường bất động sản đang cực kỳ sôi động như hiện nay, đa phần tiền nhàn rỗi trong dân đang được đầu tư vào lĩnh vực này. Do đó, bên cạnh “chạy chỉ tiêu” tín dụng thì việc đạt kế hoạch huy động cũng đặt ra nhiều thách thức cho các ngân hàng trên địa bàn.
 
Việc các ngân hàng "chạy đua" lãi suất huy động tiếp tục dấy lên lo ngại về khả năng giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bởi một khi lãi suất "đầu vào" quá cao như vậy rất khó để đòi hỏi các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
 
 
Giang Nam
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.