Huyện M'Đrắk: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng
Mùa khô năm nay ở huyện M’Đrắk được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Thời điểm này, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đang được ngành chức năng địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ rừng và hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra.
Huyện M’Đrắk có 72.897 ha rừng, trong đó có khoảng 59.033 ha rừng tự nhiên và 13.864 ha rừng trồng. Theo ông Y Bđáp Byă, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, những năm gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến khá phức tạp, vào mùa khô nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao hơn nền nhiệt chung của tỉnh; trong khi đó, thói quen canh tác của người dân lại thiếu cẩn trọng khi đốt nương, làm rẫy, phát dọn thực bì rừng trồng… Đặc biệt, thời điểm cuối năm 2017, do ảnh hưởng của bão số 12, huyện M’Đrắk có khoảng 6.000 ha rừng trồng bị gãy đổ (ước thiệt hại khoảng 99,5 tỷ đồng), hiện vẫn chưa thu dọn hết nên đã tạo thành lớp thực bì dày, nguy cơ cháy rừng rất cao. Qua rà soát nhận thấy, các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng như các xã Ea Trang, Cư San, Ea Riêng, Cư K’róa, Cư M’ta…
Để chủ động PCCCR, huyện M’Đrắk đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp với các đơn vị chủ rừng và ban ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt triển khai nhiều biện pháp PCCCR. Theo đó, các cấp, các ngành trong huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền
đến từng xã, thôn, buôn và đơn vị chủ rừng về việc chủ động PCCCR; duy trì hoạt động tại các chốt bảo vệ rừng, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng…
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk Y Bđáp Byă (bìa trái) đang hướng dẫn các đơn vị chủ rừng về phòng cháy chữa cháy rừng. |
Những ngày qua, các đơn vị có diện tích rừng trồng lớn như Công ty Lâm nghiệp M’Đrắk, Ban Quản lý rừng Vọng Phu cũng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp PCCCR. Ông Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lâm nghiệp M’Đrắk cho biết, đơn vị có 1.620 ha rừng trồng bị thiệt hại do bão số 12 vừa qua, nhưng hiện tại mới chỉ thu gom được khoảng 50% diện tích cây gãy đổ. Ngay sau khi khảo sát thực địa, đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện và người dân nhận khoán trồng rừng xây dựng phương án cụ thể, phát dọn đường băng cản lửa, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện, lực lượng tham gia ứng cứu nếu có cháy rừng xảy ra; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện cháy rừng…
Còn tại xã Ea Trang, hiện nay nhiều vạt rừng keo lai xanh mướt trước đây đã trở nên trơ trụi, khô khốc. Chủ tịch UBND xã Ea Trang Y Đội Niê cho biết, toàn xã có 1.300 ha rừng trồng thì khoảng 1.000 ha bị thiệt hại do bão số 12. Đến nay người dân chỉ mới phát dọn, tận thu được khoảng 10% số lượng cây bị gãy đổ, chết khô. Nguyên nhân của việc chậm khắc phục này là do thời điểm trước Tết Nguyên đán 2018 có mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở không đi lại được; trong khi hầu hết cây gãy đổ chưa đủ tuổi khai thác, nếu thu gom thì sản lượng cũng giảm, bán không đủ trả tiền công thuê người cưa chặt, bóc vỏ và vận chuyển nên các hộ trồng rừng có tâm lý ngại tận thu.
Trước thực tế này, chính quyền xã Ea Trang đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, các hội, đoàn thể địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp PCCCR, tổ chức cho 100% số hộ gia đình ký cam kết về xây dựng khu dân cư “4 không” (không sử dụng lửa bừa bãi trong sinh hoạt, sản xuất để xảy ra cháy rừng; không chặt phá rừng; không lấn chiếm đất rừng và không mua bán hoặc sang nhượng đất rừng trái phép).
Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk thu gom cây rừng trồng bị gãy đổ do bão. |
Ông Y Bđáp Byă cho biết thêm, M’Đrắk là huyện có địa bàn rộng lớn, hiểm trở, độ dốc lớn, đường sá đi lại khó khăn nên nếu xảy ra cháy rừng thì việc tổ chức chữa cháy bằng phương tiện máy móc cơ giới là không khả thi mà chủ yếu chỉ bằng sức người với các dụng cụ thủ công. Vì vậy, điều quan trọng vẫn là làm tốt công tác phòng cháy. Để hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra, Hạt đã tăng cường 100% quân số xuống địa bàn cùng với chính quyền địa phương, nhất là những khu rừng trọng điểm để tuyên truyền vận động, tuần tra, canh gác phòng chống cháy rừng.
Mặc dù những năm qua trên địa bàn huyện chưa xảy ra cháy rừng, tuy nhiên, các địa phương, đơn vị chủ rừng cũng không được chủ quan, lơ là; luôn tích cực triển khai các biện pháp PCCCR, tăng cường quản lý bảo vệ rừng trong mùa khô, nhất là thời điểm đồng bào dân tộc thiểu số đốt nương làm rẫy. Ngoài sự nỗ lực của cán bộ kiểm lâm, các ngành chức năng, địa phương cũng cần tích cực tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến toàn thể nhân dân về tình hình phức tạp liên quan đến công tác bảo vệ rừng, diễn biến khô hanh, chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc