Multimedia Đọc Báo in

Tận dụng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để phát triển

07:12, 03/07/2017

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc nước ta tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trên thế giới đã tạo cơ hội lớn giúp doanh nghiệp (DN) trong nước tận dụng để phát triển.

Lộ trình đưa thuế suất về bằng 0

FTA là kết quả chính thức của một quá trình thương lượng giữa hai hay nhiều quốc gia ký kết nhằm hạ thấp hoặc loại hẳn các rào cản đối với thương mại. Thông thường, một FTA bao gồm những vấn đề quy định về thuế nhập khẩu, hạn ngạch và lệ phí đối với hàng hóa, dịch vụ được giao dịch giữa các thành viên ký kết FTA nhằm cho phép các nước tiếp cận thị trường của nhau. Quá trình đàm phán FTA thường kéo dài nhằm đem lại nhiều lợi ích cho mỗi nước khi các FTA có hiệu lực. Và điều cốt lõi nhất các FTA hướng tới là thương mại hàng hóa thể hiện bằng việc cắt giảm thuế quan về 0 theo lộ trình. Có nghĩa là, các loại hàng hóa nằm trong thỏa thuận của tất cả các nước tham gia ký kết cùng một FTA sẽ có vị trí như nhau trong thương mại, được lưu thông trên lãnh thổ của các nước còn lại với mức thuế như nhau và có lộ trình giảm dần về 0. Để đạt được những mục tiêu đó, các FTA thường có những yêu cầu khá phức tạp gắn với quyền được hưởng các ưu đãi, đặc biệt là sản phẩm đó phải đáp ứng các quy tắc về xuất xứ. 

Du khách nước ngoài tham quan vườn điều tại TP. Buôn Ma Thuột.
Du khách nước ngoài tham quan vườn điều tại TP. Buôn Ma Thuột.

 

Hiện nay, Việt Nam tham gia 16 FTA, trong đó có 11 FTA đã ký, 5 FTA chưa ký. Riêng các FTA đã ký thì 10 FTA đã thực hiện, còn 1FTA (TPP) đã ký nhưng chưa thực hiện. 

Quy tắc xuất xứ hàng hóa là những quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có thỏa thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi phi thuế quan. Các FTA khác nhau sẽ có những quy định về nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay trong các FTA thường có các quy tắc xuất xứ hàng hóa cơ bản như: xuất xứ thuần túy (Wholly Obtained), hàm lượng giá trị khu vực (RVC), thay đổi mã HS code (CC, CTH, CTSH). Đây cũng là căn cứ giúp xác định hàng hóa nhập khẩu đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan; bảo đảm sự cân bằng giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “phòng tránh gian lận thương mại”; đo mức độ tận dụng ưu đãi FTA từ các thành viên FTA... Các DN khi đáp ứng được quy tắc xuất xứ ưu đãi sẽ được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (CO) ưu đãi, được hưởng thuế quan ưu đãi từ đó thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu tại các thành viên của FTA, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tới các thành viên FTA. Tuy nhiên, trên thực tế việc tuân thủ các quy tắc xuất xứ để hưởng các chính sách ưu đãi của các FTA là chuyện không dễ đối với các DN. 

Để tiếp cận các FTA

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện còn khoảng 30% DN không sử dụng các FTA trong khi các FTA có thể mang lại cho họ ưu thế lớn về thương mại với nhiều lý do khác nhau, như DN không biết tới sự tồn tại của các ưu đãi FTA; vì tính phức tạp và số lượng lớn các quy tắc của các FTA mà các DN phải tuân thủ khiến họ ngần ngại... Phát biểu tại buổi Hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cơ hội và thách thức đối với ngành nông nghiệp” được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào cuối tháng 5 vừa qua, bà Bùi Kim Thùy, Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, trong bối cảnh hội nhập hiện nay thì FTA giúp các DN có định hướng để phát triển và hội nhập với những chính sách ưu đãi riêng trước đây chưa từng có. Một số DN không dùng ưu đãi của một FTA có thể là do tương quan giữa chi phí và lợi ích bởi cơ quan hải quan ở nước nhập khẩu chỉ áp dụng mức thuế suất ưu đãi nếu hàng hóa đi kèm với Giấy chứng nhận xuất xứ (CO) cho biết nước xuất xứ của sản phẩm. CO lúc này đóng vai trò như một “quyển hộ chiếu” cho hàng hóa. Để có được CO này, nhà sản xuất hay nhà xuất khẩu phải bảo đảm hàng hóa của họ đáp ứng các quy tắc xuất xứ phức tạp, chuẩn bị sẵn và lưu giữ các chứng từ liên quan và xuất trình kèm theo đơn đề nghị được cấp CO với cơ quan cấp CO ở nước xuất khẩu. Vì vậy, mấu chốt của vấn đề này là thông tin, các DN cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể đáp ứng, xử lý các vấn đề liên quan đến thương mại trong từng FTA. Chi phí đào tạo nhân lực cao nhưng lợi ích mang lại rất lớn và lâu dài. Bởi, các FTA bao gồm nhiều quốc gia khác nhau, khi xuất khẩu một lô hàng được hưởng các ưu đãi của FTA thành công thì việc xuất khẩu với các ưu đãi đi kèm đến các thành viên còn lại trong FTA sẽ dễ dàng hơn.

Du khách tìm hiểu về sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - 2017.
Du khách tìm hiểu về sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - 2017.

Các FTA mới có phạm vi rộng lớn hơn về nội dung cam kết  thương mại, dịch vụ và đầu tư với những quy tắc khắt khe gây khó khăn cho các DN nhưng đây là con đường tất yếu đòi hỏi các DN phải vượt qua để tận dụng nó. Bởi, FTA tạo cơ hội tái cơ cấu xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường mà hiện nay Việt Nam đang gặp phải.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.