Multimedia Đọc Báo in

Cây vải thiều – hướng đi mới trong phát triển kinh tế

09:22, 29/05/2017

Trong những năm gần đây, cây vải thiều được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn để chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất xấu, bạc màu bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mùa vải “ngọt”

Đến xã Ea Kly, huyện Krông Pắc vào những ngày này, chúng tôi như vui lây niềm vui được mùa, được giá của người trồng vải thiều nơi đây. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoành, ở thôn 12A hồ hởi: “Nhà tôi hiện có 30 gốc vải đang thu hoạch, thời điểm đầu mùa giá vải lên đến 47.000 đồng/kg. Thương lái từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tìm đến mua liên tục với số lượng lớn nhưng không đủ vải để bán. Hiện nay, tuy là cuối vụ nhưng giá vải vẫn ở mức 38.000 đồng/kg. Năm nay, gia đình tôi thu được khoảng 2 tấn vải, trừ chi phí có lãi khoảng 70 triệu đồng”.

Vườn vải của gia đình anh Đỗ Công Hải (thôn 2, xã Ea Sar, huyện Ea Kar) năm nay cũng bội thu. Trên diện tích 6 sào với 450 cây vải, trong đó có 270 cây đã cho thu hoạch, năm trước mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp nhưng sản lượng vườn vải của gia đình anh vẫn đạt 7 tấn. Năm nay, sản lượng đạt 10 tấn, với giá bán 50.000 đồng/kg, anh thu lãi hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, anh Hải còn bán giống và chia sẻ kinh nghiệm với những ai có nhu cầu. Anh Hải cho biết: Cây vải là loại cây không kén đất nên có thể trồng trên đất kém dinh dưỡng mà vẫn cho năng suất cao. Vải Đắk Lắk thường chín sớm hơn vải ngoài Bắc 1 tháng nên chỉ đủ cung cấp thị trường trong tỉnh, một phần được xuất đi TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Hoành bên vườn vải của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Hoành bên vườn vải của gia đình.

Tại vườn vải rộng 2 ha của gia đình chị Nguyễn Thị Hoài (thôn 2, xã Ea Sô, huyện Ea Kar), một trong những người tiên phong trồng vải trên đất Ea Sô, những ngày này tấp nập xe ra vào để vận chuyển vải. Trước đây, trên diện tích này gia đình chị trồng đủ loại cây như ca cao, cà phê, điều… nhưng hiệu quả không cao. Năm 2012, chị về quê Hưng Yên mua 100 gốc vải thiều đem vào trồng thử. Thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng quả lại không thua kém gì vải miền Bắc nên chị đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng vải. Hiện, với 1 ha vải đã cho thu hoạch, trừ mọi chi phí, với giá bán từ 45.000-50.000 đồng/kg, vườn vải của chị cho lãi hàng trăm triệu đồng.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế

Hiện Ea Kar là huyện có diện tích vải thiều lớn nhất tỉnh với 156 ha, đến nay đã có 10/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện trồng vải thiều. Ea Sô là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar với 4.400 ha đất nông nghiệp nhưng chủ yếu là đất pha cát, ít phì nhiêu nên năng suất cây trồng không cao. Trong lúc địa phương loay hoay tìm hướng đi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì năm 2010 một số hộ dân đã trồng thử nghiệm thành công cây vải thiều. Đến nay, diện tích trồng vải thiều của xã là 101 ha.

Theo nhiều nông dân, vải thiều là loại cây trồng rất phù hợp với vùng đất Tây Nguyên, là hướng sản xuất mới cho các hộ gia đình làm nông nghiệp. So với các cây trồng khác thì cây vải dễ trồng, dễ thu hoạch, ít tốn phân, công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao. Quả vải Tây Nguyên thơm ngon, cơm dày, chín sớm hơn so với vải miền Bắc khoảng hơn 1 tháng nên dễ bán, giá thành cao, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Người trồng vải chỉ cần chăm sóc cẩn thận, phòng trừ sâu bệnh cho cây tốt là cây sẽ cho năng suất cao. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại trong thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh hiện đang tiến hành chiết, ghép cành để bán giống cây ra ngoài thị trường.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến cuối năm 2016 toàn tỉnh có 297 ha vải thiều, trong đó trồng mới là 34 ha. Diện tích vải tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc, Buôn Đôn, M’Đrắk…

Ông Trần Văn Âm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sar cho biết, cây vải thiều phát triển mạnh tại địa phương trong vài năm trở lại đây, bước đầu mang lại hiệu quả cao nên xã xác định đây là một trong những loại cây có thể giúp nông dân làm giàu. Trong năm 2013 và 2014, xã đã chủ động xây dựng 16 mô hình trồng vải thử nghiệm tại các thôn, buôn để đánh giá tính phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng…

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, vải là loại cây cây mới đối với vùng đất Tây Nguyên, đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ, đúng cách thì mới ra hoa, đậu quả, trong khi đó kỹ thuật chăm sóc chủ yếu là người dân tự học hỏi lẫn nhau chứ chưa nhận được sự hướng dẫn cụ thể nào từ các cơ quan chuyên môn. Chính vì vậy, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cần quan tâm và có những nghiên cứu, định hướng cụ thể cũng như chiến lược phát triển lâu dài, bền vững cho cây vải, tránh tình trạng mở rộng diện tích và chuyển đổi cây trồng ồ ạt.  

Mai Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.