Multimedia Đọc Báo in

Người Êđê ở buôn Tơng Liă bảo tồn giống lúa nương cổ

16:08, 19/12/2015
Trải qua bao đời truyền lại, giống lúa nương của đồng bào Êđê vẫn có nhiều ưu điểm mà những giống lúa cao sản, được lai tạo bằng kỹ thuật hiện đại khó sánh được. Tuy nhiên, do tình trạng đất canh tác của bà con hiện nay hầu hết được chuyển sang trồng cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao hơn, lúa nương nay ít được gieo trồng. Lúa nương dần dần khan hiếm, có thể “tuyệt chủng” trong tương lai không xa.

Ở buôn Tơng Liă, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) có những nương lúa tốt bời bời, bông nặng trĩu mà ai mới trông cũng tưởng đó là một mô hình thí điểm giống lúa cạn mới được công ty nào đó lai tạo. Tìm hiểu mới biết, đó là giống lúa truyền thống của đồng bào Êđê được lưu truyền từ ngày xưa để lại, đời này qua đời khác. Bên nương lúa trĩu bông cao ngang đầu người, đang chín rộ chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, anh Y Viak Niê, chủ nương lúa vui vẻ cho hay: “Nhà mình có 4 sào rẫy chuyên trồng lúa cạn, từ bao đời nay quen dùng giống lúa cổ do tổ tiên lưu lại. Giống lúa có ưu điểm cây cao to, bông dài và đặc biệt ít sâu bệnh, năng suất cao, gạo ăn thơm ngon…”.

Anh Y Viak Niê bên nương lúa giống cổ của gia đình.
Anh Y Viak Niê bên nương lúa giống cổ của gia đình.

Anh Y Viak kể, trước đây người Êđê chủ yếu trồng lúa cạn trên rẫy và trồng ngô, sắn. Sau vài trận mưa đầu mùa, bà con đem lúa giống trên gác bếp xuống, mang lên nương. Việc trồng lúa cũng đơn giản, cứ cầm cọc nhọn chọc xuống lớp đất đã đốt sạch, cày xốp từ mùa khô rồi vùi vài ba hạt thóc xuống, vùi sao cho hạt thóc được bọc trong lớp tro than đốt nương, dưới là lớp đất chín tơi xốp, vùi đất vừa phải cho hạt thóc nảy mầm, không vùi nông quá sợ chim, chuột bới lên ăn hạt giống. Gieo xong đám nương, đem áo rách làm mấy con bù nhìn, hoặc chặt tre, nứa làm mõ cắm cọc tre treo giữa nương, mõ đu theo chiều gió tạo thành tiếng động để xua đuổi chim chóc. Người trồng lúa nương chẳng phải chăm bón nhiều, chỉ nhổ cỏ, thi thoảng lên thăm xem lúa thế nào. Bà Amí Noăn, một người dân buôn Tơng Liă bùi ngùi tâm sự: “Nghe ông bà kể lại cách đây lâu lắm, bà con các buôn làng đã biết trồng lúa nương. Ngày xưa thường đi vào tận rừng phát rẫy đốt nương rồi “chọc lỗ bỏ hạt”, lúa mọc thì làm cỏ và đợi thu hoạch. Giống lúa chịu hạn tốt, gieo thẳng trên đất khô và nương dốc, hoàn toàn sống nhờ vào độ ẩm của nước mưa. Nhưng giờ thì lúa nương càng ngày càng ít dùng nên càng hiếm, càng đắt”. Chị H’Lion Bdap tiếp lời: “Ngày trước lúa nương của người Êđê còn có lúa nếp hạt tròn, lúa râu dài… mỗi loại đều có một mùi vị đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Ví dụ như lúa nếp dẻo thơm, khi đồ lên tách rời không dính các hạt với nhau, lúa râu dài bà con thường gọi là giống lúa trời vì mỗi hạt lúa đều có râu dài khoảng 1cm… Nhưng hiện nay những giống lúa đó đã không còn”.

Ngày nay, đồng bào Êđê phần lớn chuyển sang trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều… mang lại giá trị kinh tế cao hơn, từ đó diện tích trồng lúa nương dần bị thu hẹp lại. Học tập từ người Kinh, Tày…, đồng bào Êđê đã cải tạo đất ở những nơi ẩm thấp không trồng được cây công nghiệp để canh tác lúa nước. Từ đó, giống lúa nương của bà con ngày càng ít đi. Chị Nguyễn Thị Mến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tar cho biết: “Hiện nay địa phương chỉ còn vài hộ người Êđê còn lưu giữ giống lúa nương. Chúng tôi vẫn biết giống lúa nương của bà con có nhiều ưu điểm nhưng người dân không còn đất để canh tác. Giống lúa này lại không thể cấy được ở ruộng nước nên việc bảo tồn và phát huy giá trị nguồn giống là rất khó”.

 Trung Hải – Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.